vietinfo di động
Thư mục
Người Việt khắp nơi

Cuộc vượt biên tị nạn vẫn còn tiếp diễn

Cập nhật lúc 23-01-2013 12:36:34 (GMT+1)
Trẻ em tị nạn.

Vietnam - Nạn nhân là những người đấu tranh dân chủ, những người viết blog chống Trung Cộng, những người thiểu số theo đạo Tin Lành, người Hmong, giáo dân Cồn Dầu bị cướp đất cướp nhà, những người công nhân lao động xuất khẩu bị bóc lột, nạn nhân của các tổ chức buôn người.

60,000 công nhân đang còn “mắc cạn” ở Mã Lai!

Cô Holly Ngô, một thiện nguyện viên của Boat People SOS vừa đi Mã Lai và Thái Lan để thăm viếng và giúp đỡ một số đồng bào đang “mắc cạn” tại đây trở về Nam Cali. Mặc dù rất bận công việc tại sở làm, cô Holly Ngô đã theo dõi tin tức đồng bào Việt Nam đang tỵ nạn tại Thái Lan và đã quyên góp trong họ hàng, bạn bè một số tiền lên đến $8,000 mang đi Thái để trực tiếp giúp đỡ đồng bào. Trong một khoảng thời gian ngắn khoảng hơn một tháng, cô Holly Ngô đã gây quỹ qua email và Internet với bạn bè và thân hữu của BPSOS được gần 8000 USD. Cô cho biết đã đi xin hơn 300 pounds quần áo cũ và gửi qua công ty chuyển hàng đến Thái Lan. Cô cũng mang theo một số thuốc Tây như trụ sinh cùng một số thuốc mua được tại Costco như thuốc cảm, đau nhức, tiêu chảy, và các loại vitamin.

Cô Holly Ngô cho biết cô đã theo dõi tin tức hàng ngày trên website và báo Mạch Sống của BPSOS cho thấy có hơn 900 người tị nạn Việt Nam trên đất Thái. Họ là những người đấu tranh dân chủ, những người viết blog chống Trung Cộng bị đàn áp, những người thiểu số theo đạo Tin Lành bị đánh đập, những người dân Cồn Dầu bị cướp đất cướp nhà, những người công nhân lao động xuất khẩu bị bóc lột, trở về Việt Nam bị đánh đập bỏ tù lại phải bỏ xứ ra đi.

Khu nhà tồi tàn mà người Việt tị nạn đang sinh sống, chen chúc và lẩn lút.

Người Việt tị nạn ở Thái Lan

Hiện nay một số lớn người tị nạn đang sống vất vưởng ở Thái Lan, không có việc làm, có thể bị cảnh sát di trú bắt bỏ tù bất cứ lúc nào, dù có hay không có quy chế tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Con cái của họ thì không được đi học. Ðời sống người tị nạn hiện nay vô cùng bấp bênh và khốn khổ. Cô cho biết với số tiền cô tự quyên góp mang đi, chỉ là hạt muối bỏ biển trước sự thống khổ của đồng bào với tương lai mờ mịt.

Những người Việt tị nạn ở Bangkok là những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, bị đàn áp, hạch sách, chịu không nổi họ đã chạy trốn qua Thái Lan. Một blogger gốc Hà Nội (xin giấu tên) đã viết bài trên blog của mình để đòi hỏi dân chủ, chống Tàu, bị đàn áp truy bức, cùng đường đã chạy sang Thái Lan. Hiện nay chị đang bị sạn thận rất nặng cần phải mổ nhưng chị chưa có tiền nên cầu cứu mọi người giúp cho chị.

Thầy Huyền Việt đến thăm đồng bào tị nạn ở Thái Lan.

Tại Bangkok, cô Holly Ngô cũng đã gặp khoảng 20 giáo dân Cồn Dầu còn đang chờ đi định cư, trong số này còn 4 gia đình chưa có quy chế tị nạn, cần phải nhờ luật sư giúp kháng cáo lên Cao Ủy Tị Nạn.

Một số tị nạn khác là người tị nạn từ Lâm Ðồng, họ là những người dân tộc thiểu số nhưng nói tiếng Việt khá rành. Các anh em Tây Nguyên rất khó khăn khi kiếm việc làm vì không có giấy tờ, đàn bà thì ở nhà may vá hay đến chỗ các bà sơ may để kiếm tiền độ nhật qua ngày.

Nhóm Hmong thì có khoảng 24 người vừa người lớn, vừa trẻ em, ở chung trong một căn nhà. Họ rất sợ bị cảnh sát bắt vì đa số họ đã bị Liên Hiệp Quốc từ chối quyền tị nạn mặc dù vì theo đạo Tin Lành ở Việt Nam họ đã bị chính quyền Cộng Sản đàn áp bắt bớ, đánh đập rất tàn nhẫn.

Một số khác là các cựu thuyền nhân - những người đã bị cưỡng bức hồi hương năm 1996 và nay lại chạy sang Thái Lan. Ở đây, họ sống rất cơ cực vì không có việc làm. Ngay cả số ít người đã được xét là tị nạn cũng vẫn sợ bị bắt vào “tù di trú” vì Thái Lan không công nhận công ước tị nạn.

Anh L. đã tập họp một số thanh niên để xin việc đấu thầu xây cất cho dân địa phương nhưng với tiền lương rẻ mạt vì họ biết các anh là những người tị nạn cần việc làm nhưng không có giấy tờ hợp pháp. Anh xin giúp đỡ để có máy móc dụng cụ xây cất để làm thành một đội Việt Nam chuyên xây cất dưới những người thầu xây dựng người Thái và hy vọng có những hợp đồng nhỏ để làm. Các chị em gái thì xin máy may, máy vắt sổ để may vá ở nhà sống qua ngày. Nhu cầu của người tỵ nạn ở đây thì quá lớn nhưng không có sự giúp đỡ nào có thể thỏa mãn cho họ.

Nạn nhân của những tổ chức buôn người ở Mã Lai

Cô Holly Ngô cũng đã ghé qua Mã Lai để tìm hiểu hoàn cảnh của nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân buôn người và đời sống của các công nhân lao động “xuất khẩu” tại đây.

Ngày 26 tháng 11, 2012 cô Holly Ngô được tham dự một phiên tòa xử buôn người tại một tòa án ở Kuala Lumpur. Hai thiếu nữ Việt Nam tên H. và L., người quê ở Cần Thơ và Tây Ninh, được một đường dây đưa sang Mã Lai, hứa hẹn công việc bồi bàn trong quán ruợu với lương 5 triệu đồng (khoảng 250 USD) mỗi tháng. Sang đến Mã Lai, đi làm 8 tháng, nhưng không được lãnh đồng nào vì ông chủ đòi trừ 1,000 USD tiền máy bay và dịch vụ, và 1,300 USD tiền làm visa 6 tháng. Mỗi ngày mỗi em được từ 50 đến 100 Ringgit (khoảng 17-33 USD) tiền tip cũng bị chủ lấy hết. Sau đó họ bị ông chủ bắt ép bán dâm, hai em không chịu nên bị đánh đập tàn nhẫn.

Trong nhà tạm trú còn có 8 cô gái Việt Nam nữa cũng cùng một hoàn cảnh bị buộc phải bán dâm như vậy. Cuối cùng họ gọi được cảnh sát Mã Lai để kêu cứu và cảnh sát đã bố ráp bắt được ông chủ A Sịa và 10 cô gái Việt Nam.

Phụ nữ Cồn Dầu.

Tất cả các cô gái Việt Nam đã được đưa vào nhà tạm trú tạm giam chờ ngày ra tòa làm nhân chứng và sẽ bị trục xuất ngay sau đó. Nhưng đã hơn 6 tháng qua, ra tòa hai lần rồi mà vụ án vẫn chưa xử xong. Kinh nghiệm những vụ án như thế này, người chủ buôn người thông đồng với cảnh sát địa phương nên thủ phạm ít khi bị tù. Trong trường hợp này, các cô gái nạn nhân chỉ mong phiên tòa sớm kết thúc, để “được” trục xuất về lại quê nhà.

Số phận những công nhân “xuất khẩu” ở Mã Lai

Ðể thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, thanh, thiếu nữ Việt Nam muốn đi lao động ngoại quốc phải cầm sổ đỏ nhà cửa (giấy xác nhận quyền sử dụng đất) đế có ít nhất 26 triệu (khoảng ,1300 USD) trả dịch vụ “xuất khẩu lao động” đi Mã Lai. Khi ký hợp đồng, họ được hứa hẹn đồng lương 900 Ringgit (khoảng 300 USD) mỗi tháng, làm 8 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần. Nhưng khi qua Mã Lai, họ phải làm 10 tiếng đến 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần. Mỗi tháng họ bị cắt tiền bảo hiểm chống trốn và chỉ đem về được 500 Ringgit (khoảng 170 USD).

Một nữ công nhân quê quán ở Lâm Ðồng, muốn được ra khỏi cảnh nghèo túng, phải cầm thế nhà cửa được 18 triệu đồng (khoảng 900 USD) để đưa cho nhà nước và dịch vụ, mong được “xuất khẩu” đi Mã Lai. Ðến Mã Lai, cũng như các công nhân khác, bị bóc lột, em than thở với một cô bạn người Nam Dương và đến cầu cứu với văn phòng CAMSA (1) ở Penang. Cô bạn xấu miệng đã đi nói với sếp là người Ấn Ðộ và em bị sếp Ấn Ðộ hù dọa, không dám trở về công ty, nên trốn trở lại Việt Nam, khiếu nại với cơ quan gửi người đi xuất khẩu.

Thay vì được bênh vực, em này lại bị công an địa phương hỏi cung, tra khảo. Chúng hỏi em tại sao dám nói xấu chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam. Họ nói em làm vỡ hợp đồng đã ký kết, phải bồi thường gấp đôi là 36 triệu đồng (khoảng 1,800 USD). Em không có tiền nên bị bắt giam, tra khảo, đánh đập nên chạy trốn về Sài Gòn. Bị công an truy đuổi, em trốn qua Cam Bốt và sau đó chạy đến Thái Lan từ tháng 10, 2011.

Cô gái này đang xin quy chế tị nạn với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc nhưng bị từ chối. Em nhờ BPSOS khiếu nại với cao ủy. BPSOS giới thiệu em với các sơ người Thái để học may. Bây giờ em ở nhà may đồ để kiếm sống và tương lai chưa biết sẽ ra sao.

Một nạn nhân của tổ chức buôn người ở Mã Lai

Một em “công nhân” chỉ mới 16 tuổi nhưng phải làm giấy tờ giả 18 tuổi để được đi làm vì nhà quá nghèo không đủ ăn.

Ðược biết công nhân Việt Nam được cho ở tập thể trong một căn nhà có 12 người ít nhất, tự túc ăn uống.

Sau chuyến đi Thái Lan và Mã Lai hai tuần trở về, cô Holly Ngô đã nhờ chúng tôi chuyển lời kêu gọi đồng bào hải ngoại:

“Hiện nay đồng bào tị nạn rất cần sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại để có thể sống cầm hơi chờ được cao ủy cấp cho quy chế tị nạn và đi định cư. Xin đồng bào hải ngoại mở lòng ra để đóng góp cho BPSOS có ngân quỹ giúp người tị nạn về pháp lý và cứu trợ.

Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng.”

Chú thích:

(1) Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Ðức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau bốn năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 4 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA
Phone: 703-538-2190

Ngoài ra tại Little Saigon, một buổi dạ tiệc gây quỹ giúp người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan và Mã Lai của BPSOS “Góp Một Bàn Tay” sẽ được tổ chức ngày 9 tháng 3, 2013 tại Seafood Palace 2, 6731 Westminster Ave., Westminster CA 9268 - (714) 379-2338 từ 6:00pm-11:00pm với một chương trình văn nghệ, xổ số, đấu giá, dạ vũ với ban nhạc The Night Star.

Giá vé $35.

Xin liên lạc với cô Huệ: 562-458-2285.

Nguồn: Huy Phương/Người Việt

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: