vietinfo di động
Thư mục
Việt Nam

Tâm tình của người đồng tính ở Việt Nam

Cập nhật lúc 24-12-2014 06:31:48 (GMT+1)
Một đôi đồng tính nữ hạnh phúc

Việt Nam hiện có khoảng gần 2 triệu người đồng tính và lưỡng tính trong độ tuổi từ 15 đến 59. Những người đồng giới, song giới, chuyển giới ở VN được gọi là “người trong giới LGBT” hay còn gọi là người thuộc “thế giới thứ 3”. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường ISEE hồi năm 2009, ở Việt Nam chỉ có khoảng 2% người đồng tính là hoàn toàn công khai và 5% là gần như công khai về xu hướng tình dục của bản thân. Nghiên cứu cũng cho hay 25% sống lúc thì bí mật, lúc thì công khai, 35% thì gần như bí mật và 33% hoàn toàn bí mật.

Giữa một xã hội đối nghịch

Trao đổi với đài ACTD, nhiều người trong giới LGBT cho biết họ phải sống một cách ray rứt trong một vỏ bọc không phải là chính mình vì những định kiến, kỳ thị kể cả bạo lực từ gia đình và xã hội. Một nam đồng tính, 40 tuổi, ở Sài Gòn, không muốn nêu tên chia sẻ anh nhận ra sự khác biệt với những bạn nam cùng trang lứa từ lúc còn học cấp 2 và anh đã giấu kín thân phận mình kể từ đó. Người nam đồng tính này phải sống qua những chuỗi ngày hoang mang về giới tính mà không dám hỏi ai. Anh đã âm thầm tìm hiểu cũng như khám phá chính bản thân cho đến một ngày anh có đủ sự hiểu biết để nhận ra mình là người đồng tính. Anh đã chọn cách sống trong sự im lặng về giới tính với người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Dù suốt 40 năm anh chưa bao giờ dám thử qua cảm xúc yêu đương với một ai đó nhưng anh vui vẻ chấp nhận cuộc đời của một người thuộc “thế giới thứ 3”. Anh nói:

gay-couple
Một đôi đồng tính nam

“Có những người nghĩ đó là chuyện tự nhiên, sinh ra với số phận như vậy một cách tự nhiên. Hiện tại hạnh phúc với chính cuộc sống của mình. Đó là mình sống với chính bản năng của mình, tự tin, thoải mái. Cuộc đời sinh ra số phận mình như vậy thì mình cứ chấp nhận. Và khi mình chấp nhận thì mình thấy thoải mái hơn”.

Tuy nhiên, những đồng tính nam ở VN không hoàn toàn đủ bản lĩnh chủ động trong cuộc sống. Nhiều người bị áp lực từ những người xung quanh, nhất là người thân trong gia đình để rồi họ phải sống trong bế tắc. Người nam đồng tính giấu tên cho biết thêm:

“Có nhiều lắm, nhiều trường hợp chẳng hạn như áp lực của gia đình, như một bạn đã như vậy mà gia đình không chịu, vẫn bắt buộc cưới vợ và bạn đó không thể cưỡng lại được, không vượt qua chính mình. Có những bạn vì cuộc sống bị ảnh hưởng bởi gia đình nhiều quá bắt buộc cưới người vợ do sự sắp đặt của ba mẹ. Khi cưới về chắc chắn không có hạnh phúc mà còn mang khổ cho người bạn đời của mình nữa, thành ra cùng nhau khổ dẫn đến sự bế tắc”.

Can đảm giành quyền sống

Trong khi đó, những người trẻ tuổi trong giới LGBT nhờ vào công nghệ thông tin mà họ tiếp cận được thông tin về cộng đồng LGBT trên thế giới nên họ mạnh dạn công khai giới tính cũng như hăng hái tham gia các hoạt động để kêu gọi xã hội nhìn nhận một cách chính xác và hiểu rõ hơn về những người thuộc “thế giới thứ 3” cũng như mong muốn được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Ở VN ngày càng có nhiều người trẻ trong giới LGBT mạnh dạn công khai giới tính. Tuy vẫn còn rất nhiều trường hợp bị người thân chối bỏ nhưng họ tin rằng gia đình và cộng đồng mỗi ngày sẽ có nhiều thông tin cũng như cởi mở hơn với những người thuộc “thế giới thứ 3” qua cách sống lạc quan, tích cực và đóng góp cho xã hội. Lin Jay, một nữ đồng tính trẻ tuổi chia sẻ với Hòa Ái về giây phút cô quyết định cho gia đình biết về giới tính của mình, cha mẹ cô bị sốc, cô phải dọn ra ngoài và bắt đầu cuộc sống tự lập. Cô cho biết mình may mắn vì không lâu sau đó cô nhận được sự thông cảm từ người thân trong gia đình. Mặc dù vậy cô vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong cuộc sống đời thường. Lin Jay tâm sự: 

support-lgbt
Bích chương ủng hộ quyền sống của LGBT

“Bọn em phải thường xuyên chịu những lời đàm tiếu. Em chia sẻ thật thì có những người bảo là ‘Ôi, con này bị ô môi. Con bé này bị pê-đê’ hoặc là những câu nói rất xúc phạm đên bọn em. Nhưng thật ra theo em nghĩ thì những lời nói đó không giúp cho mình được tốt lên và chỉ khiến cho mình cảm thấy bị áp lực, bị căng thẳng thêm nên em nghĩ phương châm sống của em là không để ý những lời nói đó mà em chỉ làm tốt thật tốt công việc của mình được giao. Trước đây khi em mới bắt đầu làm ở một công ty thì người ta có hơi dị nghị em một chút, ‘không biết là giới tính của bạn này là gì, trai hay gái? Là trai thì trắng trẻo quá! Là con gái sao lại gai góc như vậy?’. Bên công ty em, các sếp cũng thử thách em rất nhiều nhưng sau mỗi lần giao thử thách đó thì em làm rất tốt. Sếp có nói một câu ‘Thực sự em trưởng thành và em hơn hẳn một người đàn ông thực thụ, có trách nhiệm với công việc của mình và anh có cái nhìn khác về tụi em’”.

Trong những năm gần đây, nhiều người trong giới LGBT như Lin Jay công khai thân phận và tự tin khi được sống thật với chính mình. Họ không chỉ cố gắng tự khẳng định bản thân “tôi là ai” mà họ còn tích cực hoạt động nhằm thay đổi quan điểm của xã hội về cộng đồng giới tính thứ 3.

Để kết thúc bài phóng sự hạn hẹp này, Hòa Ái mượn lời chia sẻ của Lin Jay như là một thông điệp của cộng đồng LGBT ở VN gửi đến gia đình và xã hội.

“Cộng đồng LGBT của VN thực sự rất dũng cảm khi đã là chính mình. Họ thật sự sống rất lành mạnh như một người bình thường. Theo em, cộng đồng LGBT trên thế giới đều đáng được tôn trọng và tất cả những người như thế là những người bình thường nhất mà em biết. Họ dũng cảm và dám sống thật với bản thân mình. Là một người trong cộng đồng LGBT, điều em mong muốn nhất đó là xã hội và đất nước chấp nhận điều đó một cách dễ dàng”.

Nguồn: Hòa Ái/ RFA