vietinfo di động
Thư mục
Việt Nam

Dân nghèo và những đòn thù chí mạng

Cập nhật lúc 21-04-2010 10:14:29 (GMT+1)
Căn nhà lụp xụp của thương binh Nguyễn Văn Thoa

Trong loạt bài “Đói thấu mùa giáp hạt” (từ ngày 15 - 25/3), có bài phản ánh hoàn cảnh khó khăn của một số hộ dân ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tuy vậy, thay vì trợ giúp những gia đình túng bấn mùa giáp hạt, chính quyền địa phương lại thẳng tay trù dập những người đã nói lên sự thực.

"Nhà mày kiện xã tao cắt sổ rồi"

Gia đình chị Trần Thị Bình và chồng là Đỗ Văn Dương có lẽ là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt nhất thôn Thắng Hùng, xã Hải Lộc. Mấy năm trước, anh Dương khỏe mạnh, được những chủ tàu trên bãi biển Hậu Lộc thuê bốc dỡ hàng, hoặc câu mực. Nhưng tai họa ấp đến với anh trong một đêm thắp lửa đi câu, bình ga bị nổ, anh Dương bị hơi ga ép gục tại chỗ, khi các tàu cá phát hiện ra thì mặt mũi anh đã bị sức nóng làm biến dạng, một chân bị thương. Từ bấy đến nay, sau bao nhiêu thuốc thang, bao lần phẫu thuật, nhưng sức khỏe của anh chả khấm khá hơn là mấy.

Người chồng ốm đau là vậy nên mọi đầu việc trong nhà, từ nhỏ đến lớn, đều đổ cả lên đôi vai gầy của chị Bình. Phận nữ, chị cũng chỉ biết ra chợ, người ta thuê gì thì làm nấy. Chạy vạy vay mượn thuốc thang cho chồng, đến nay, số nợ đã lên đến 30 triệu đồng mà chị chẳng còn khả năng thanh toán. Đã thế, mới đây đứa con cả của chị, năm nay hơn mười tuổi, bỗng kêu đau ngực, đau đầu. Đem con xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bác sỹ kết luận là con chị bị bệnh tim bẩm sinh. 

Mẹ con chị Bình trăn trở với nỗi lo bệnh tật và đói nghèo

Vừa tất tả đi khám cho đứa lớn, thì đứa út nhà chị Bình cũng có triệu chứng bệnh tương tự. Sau khi nghe bác sỹ chẩn đoán và kết luận bệnh của đứa trẻ, chị Bình muốn gục xuống, chết quách đi cho xong. Nhưng vì con, vì chồng, chị lại gắng gượng đứng dậy bước tiếp.

Một hy vọng lóe lên bởi hàng xóm mách bảo chị rằng, một tổ chức từ thiện nào đó đang thực hiện chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em, với điều kiện là gia đình đó phải nằm trong diện hộ nghèo, tức là có bảo hiểm y tế. Lục lại trong trí nhớ, à, hình như nhà mình vẫn trong diện nghèo, sổ hộ nghèo và tờ bảo hiểm y tế vẫn ở chỗ ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hự, chị tức tốc đến nhà ông Hự thì chỉ nhận được câu trả lời: “Nhà mày đi kiện xã, tao cắt sổ rồi”. Vòng vo năm lần bảy lượt, đi ra đi vào, mỗi ngày ít nhất hai lần chị tìm đến nhà ông Hự để van lơn, cầu khẩn nhưng chỉ nhận được những lời chửi bới rất vô văn hóa, mà lý do duy nhất cũng tại gia đình chị có người tham gia tố cáo những khuất tất của chính quyền xã với báo chí.

Bà Trần Thị Vấn, mẹ đẻ của chị Bình, năm nay tuổi đã xấp xỉ 60. Người dân ở thôn nghèo sát mép biển ấy vẫn bảo, dường như bà sinh ra để nếm trải tất cả những nỗi bất hạnh, cực cùng. Về Hải Lộc, lần nào gặp tôi cũng thấy trên khuôn mặt nhọc nhằn của bà có những giọt nước mắt. Những ngày đầu, lấy tư liệu ở những hộ kế bên, mỗi lần ngẩng lên, tôi đều thấy bà nép mình vào đám đông, lặng lẽ đứng nhìn, mặt buồn rười rượi. Bà không tranh đấu, không cầu khẩn và cũng chẳng ồn ào. Bà như cái bóng của chính mình. Tuy nhiên, cứ ai đề cập đến cảnh ngộ của mình thì câu trước câu sau mắt bà lại ngân ngấn lệ. Bởi sự lạ thường ấy nên bà đã khiến tôi đặc biệt chú ý. Buổi làm việc cuối cùng ở Thắng Hùng, tôi đã quyết định tìm đến nhà bà.

Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè của bà nằm chìm hẳn trong con ngõ mà thời gian đã làm cho nó cũ kỹ, rêu phong. Bà đang có khách. Khách chẳng đâu xa, vẫn là những người hàng xóm có nét mặt na ná nhau. Tạo hoá khu biệt họ với những người khác ở vẻ khắc khổ, gầy mòn. Họ đến để biếu bà tiền. Người 5 nghìn, người 10 nghìn, người chỉ có vài trăm đồng nhàu nhĩ. Ai cho bà cũng nhận và cảm ơn bằng nước mắt lã chã. Nghèo xác xơ vậy nên từ trước đến nay, gia đình bà là nạn nhân thường xuyên của những “tuyệt chiêu” oái oăm của chính quyền sở tại. Nào tạm thu tài sản, nào phạt nhà tiêu... chẳng khoản nào bà thoát. Thế nhưng, trong tất cả các “võ hiểm” trên thì không món nào bà hãi hùng bằng cú đòn... cúp điện. Bà bảo, chỉ một lần trong đời, nếm “đòn trừng phạt” ấy thì dẫu có chết, bà cũng chẳng thể nào quên. Cũng bởi “ấn tượng khó phai” đó mà vài năm trở lại đây, gia đình bà đã bóp mồm bóp miệng để cố gắng hoàn thành các khoản khoán nộp của mình.

Ngàn lẻ kiểu "đì"

Thương binh Nguyễn Văn Thoa, thôn Tân Lộc, người mà chúng tôi đã phản ánh hoàn cảnh khó khăn trong bài báo trước, nay càng rơi vào cảnh bi thảm hơn. Thấy chúng tôi đến, ông Thoa chưa kịp chào, đã buông một câu chán nản: “Nhà báo à, thôi các anh đi cho. Mỗi lần các anh về, gia đình tôi lại thêm những rắc rối mới”. 

Căn nhà lụp xụp của thương binh Nguyễn Văn Thoa

Theo ông Thoa, khi báo NNVN phát hành, có hai anh cán bộ của UBND tỉnh đến khảo sát về hoàn cảnh gia đình ông. Tuy nhiên, sau khi anh đi rồi, gia đình ông không những không được cấp sổ hộ nghèo mới, mà bản thân ông, thương binh, cả chục năm vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Nguyên, cũng không được nhận kỷ niệm chương của Hội Cựu chiến binh. Họ không nêu lý do tại sao không được nhận. Nhưng những người bạn chiến đấu của ông, hàng xóm hiện tại của ông, đều khuyên giải rằng, “ông bớt đi kiện đi, sẽ có lợi hơn cho gia đình đấy”. Có lẽ đấy là điều duy nhất lý giải tại sao một thương binh như ông lại bị “loại” trong việc trao tặng kỷ niệm chương, một món đồ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn vật chất.

Ông Chánh văn phòng UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Thảo tiếp chúng tôi với khuôn mặt lộ rõ vẻ thiếu thiện cảm. Khi được PV NNVN thông tin về tình hình xã Hải Lộc, ông phủ nhận ngay: “Chúng tôi chưa thấy xã báo cáo gì về chuyện này, cũng chẳng thấy dân phản ánh”.

Nói rồi ông Thảo khoe rằng, phòng tiếp công dân của UBND huyện làm việc rất tích cực theo đúng lịch, nhưng tuyệt nhiên không nhận được đơn thư khiếu nại gì từ công dân xã Hải Lộc (?!). “Dưới đó (xã Hải Lộc - PV) yên rồi. Nhân dân giờ phấn khởi làm ăn, có ai đi kiện cáo nữa đâu”, ông Thảo cho biết.

Trước đó, cũng vì hay khiếu nại, anh Nguyễn Văn Tích, con trai ông Nguyễn Văn Thoa, đã bị xã thẳng tay chối từ việc đăng ký kết hôn. Trong cuốn sổ “Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình” do UBND xã Hải Lộc cấp thì phần quy định có ghi rõ ràng: “Mỗi khi đến giao dịch với địa phương, phải xuất trình sổ kế hoạch gia đình và các giấy tờ liên quan đến công việc gia đình cần giải quyết!”. Điều khoản này xuất hiện đồng nghĩa với việc, những gia đình nào còn nợ đọng tiền đóng góp thì... khôn hồn mà trả nốt, nếu không, đừng mơ xã giải quyết “công việc cần giải quyết” của gia đình mình. Hiện tại, theo ông Thoa, gia đình ông còn thiếu xã khoản tiền mua vật tư phòng chống bão lụt năm 2008. Thiếu tiền đóng góp, con trai ông không được đăng ký kết hôn cũng là lẽ... đương nhiên.

Cũng phải nói thêm về gia cảnh của ông Thoa, hai ông bà già nuôi cả 5 miệng ăn, ruộng canh tác không có, đồng muối cũng không, tất thảy họ chỉ trông vào mỗi số tiền trợ cấp thương binh nhỏ nhoi của ông, hơn 600 nghìn/tháng. Vừa rồi, con trai ông, anh Nguyễn Văn Tích bị tai nạn vỡ sọ; gia đình ông mong muốn có một cuốn sổ hộ nghèo, để cho con đi viện thay hộp sọ. Nhưng vì kiện nhiều quá, xã không cấp sổ. Đến nay, anh Tích cứ ngơ ngẩn suốt ngày, không thể đi lại được, chỉ ngồi một chỗ. Đã nghèo thì chớ, gia đình ông Thoa lại phải chi thêm một món tiền để mua thuốc cho anh.

Theo Nongnghiep

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: