vietinfo di động
Thư mục
Việt Nam

Đại diện thành phố Hà Nội nói ‘vỡ đê có kế hoạch’

Cập nhật lúc 15-10-2017 05:03:22 (GMT+1)
Ông Đỗ Đức Thịnh: “Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch.” (Hình: Báo Ngư

Theo báo Người Lao Động, mọi người trong phòng họp về phòng chống thiên tai chiều 13 Tháng Mười cùng cười ồ khi nghe ông Đỗ Đức Thịnh, chi cục trưởng Chi Cục Đê Điều và Phòng Chống Lụt Bão thành phố Hà Nội, nói: “Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ.”

Báo điện tử VNExpress cũng dẫn lời ông Đỗ Đức Thịnh nói liên quan đến vụ vỡ đê Hữu Bùi: “Rạng sáng 12 Tháng Mười, đê Hữu Bùi đã tràn 9,900 mét toàn tuyến. Sau đó, có hai đoạn bê tông dài khoảng 10 mét sạt phần chân và bị nước cuốn trôi. Việc nước tràn vào vùng chứa lũ được thực hiện chủ động, đúng quy trình để bảo đảm an toàn cho đê Tả Bùi.”

Trước đó, trưa 12 Tháng Mười, ông Lê Trung Hà, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cho biết vào khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, đê Hữu Bùi (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến) đã bị vỡ.

Tuy nhiên, trả lời trên báo chí sau đó, cả chủ tịch huyện và bí thư Huyện Ủy Chương Mỹ, đều bác bỏ thông tin vỡ đê Hữu Bùi.

“Quá trình tràn nước có thể có những điểm sạt, chứ không có chuyện vỡ đê. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện,” ông Lê Trọng Khuê, bí thư Huyện Ủy Chương Mỹ, được báo Người Lao Động trích lời nói.

Nhiều blogger đang chỉ trích cách chính quyền ứng phó với thiên tai, quan chức phát ngôn ngô nghê về việc xả lũ, vỡ đê “đúng quy trình” trong bối cảnh bão lũ ở miền Bắc và miền Trung vẫn đang tiếp diễn.

Hôm 14 Tháng Mười, Luật Sư Luân Lê bình luận trên mạng xã hội: “Vỡ đê mà còn trong kế hoạch và xả lũ tám cửa đập một lúc mà người ta gọi là xả lũ đúng quy trình. Không còn chút trơ trẽn nào để có thể nói về những con người thốt ra nhẹ nhàng những câu từ thản nhiên đến thế trước bao nhiêu sinh mệnh và cuộc sống của hàng ngàn người dân đang tan hoang dưới bàn tay mưa lũ, mà thực chất cũng là hậu quả của con người do phá rừng (đầu nguồn) làm thủy điện và phá rừng (phòng hộ, tự nhiên) lấy gỗ mà ra. Dân chúng sẽ sống trong cảnh ‘đúng quy trình’ và ‘trong kế hoạch’ đến khi nào nữa?”

Đê Hữu Bùi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bị vỡ. (Hình: Báo Người Lao Động) 

Nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, chia sẻ ý kiến: “Mưa lũ, cứ tưởng các hồ thủy điện sẽ trữ nước để dân đỡ bị lũ lụt như lý luận của nhà đầu tư, té ra không phải, 31 hồ thủy điện đang đồng loạt xả lũ, thế thì dân chết chắc, có chạy đằng giời.”

Nhà báo Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, phân tích: “Mưa lũ về và những tang thương giống như một sự ‘mặc định’ đều đặn hàng năm… Một đại gia thủy điện khẳng định làm thủy điện đầu tiên là làm gỗ. Sau đó là làm đường. Và cuối cùng mới làm điện. Đừng ngạc nhiên nếu có những công trình thủy điện muốn hoặc đã được đặt giữa tim rừng. Về ‘quy trình xả lũ,’ không người dân nào chạy nhanh hơn sức nước đổ về cả. Nhà cửa, tài sản, thú nuôi… dĩ nhiên càng không. Và điệp khúc ‘đúng quy trình’ vẫn được lặp lại hằng năm. Và những người dân mất mát tài sản hay thậm chí mất mạng vì xả lũ vẫn xuất hiện hằng năm.”

Cùng thời điểm, nhà hoạt động Hoàng Dũng viết trên Facebook: “Lũ lụt ở phía Bắc và miền Trung, ngập lụt ở Sài Gòn, khô cạn ở miền Tây là những vấn đề mà đảng CSVN không đủ khả năng để giải quyết. Tàn phá, tận diệt rừng đầu nguồn, thủy điện trữ nước không chịu xả sớm là nguyên nhân lũ lụt phía Bắc và miền Trung trong nhiều nhiều năm tới. Đến hẹn lại lên. Càng ngày, đảng CSVN càng đuối.”

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận: “Thiên tai như mưa to, bão lũ thì không bàn, nhưng hãy nhìn các nước, chỉ ở cấp thảm họa họ mới có nhiều người chết và tài sản thiệt hại như vậy. Tại Việt Nam, một cơn mưa trung bình có thể ngập cả thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Thiệt hại từ kẹt xe, ô nhiễm, bệnh tật, tai nạn… là rất lớn, chỉ là không dám thống kê thôi. Một trận lũ trung bình đang xảy ra phía Bắc đã làm hàng trăm người chết và mất tích, tài sản người dân thiệt hại vô cùng lớn, nó tương đương một trận bão lũ cấp thảm họa tại các nước khác.”

“Vậy là do nhân tai. Quy kết lại là do độc tài, nên sử dụng cán bộ tùy tiện, tham lam, dốt nát. Bọn chúng phá hết rừng đầu nguồn, không biết hoặc làm ngơ với quy hoạch các thành phố lớn, luôn ỷ lại vào ngân sách, nên thảm họa cho đất nước này là đương nhiên và còn kéo dài, ngay cả đến thời hậu độc tài. Nhân dân hãy chuẩn bị thôi,” theo Facebook của nhà văn.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình “Sách Hóa Nông Thôn,” viết: “Nhiều người thắc mắc tại sao đám xả lũ thủy điện không quan tâm đến mạng người? Xin thưa với các bạn: xã hội hiện tại được xây trên quá nhiều xác người chỉ cách đây dăm thập niên nên di chứng xem nhẹ xác người vẫn hiện hữu trong không ít người.” 

Nguồn: T.K/Người Việt

 

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: