vietinfo di động
Thư mục
Thế giới

Cựu Ngoại trưởng Áo: Chính châu Âu gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng

Cập nhật lúc 12-09-2022 16:02:10 (GMT+1)
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl. Ảnh: Tass.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 11/9, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã diễn ra từ năm 2021 và do các chính trị gia châu Âu gây ra.

Cựu Ngoại trưởng Kneissl cũng bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu có thể ngày càng nghiêm trọng hơn vào mùa Đông sắp tới do nhu cầu điện và khí đốt tăng mạnh.

"Chúng ta đã đối mặt với cuộc khủng hoảng trong ngành điện từ tháng tháng 4/2021, trước khi rơi vào tình trạng khan hiếm khí đốt hiện nay khi nguồn cung năng lượng từ Nga sụt giảm mạnh. Đây là hậu quả từ quá trình đầu tư không hiệu quả vào ngành năng lượng của châu Âu trong gần 20 năm qua. Chính châu Âu đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng” – bà Kneissl giải thích.

Cựu Ngoại trưởng Áo lưu ý thêm rằng châu Âu đã đầu tư rất ít vào lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ trong những năm gần đây. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng, đặc biệt là từ Nga - quốc gia vốn cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, đang giảm mạnh trong những tháng gần đây, nhu cầu lại tăng cao sau đại dịch Covid-19.

Cựu Ngoại trưởng Áo Kneissl lưu ý rằng thị trường điện tại châu Âu đang biến động mạnh và gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân cũng như ngành công nghiệp. Theo bà Kneissl, kể từ tháng 4/2021 đến nay, giá điện tại châu Âu đã vọt tới 400%.

Trước đó, tại cuộc họp bất thường của các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/9 ở Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao, bao gồm việc áp đặt mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác. EC dự định sẽ áp đặt giới hạn giá khí đốt của Nga ở mức 520 euro/1.000 mét khối. Bên cạnh đó, EC yêu cầu các nước thành viên EU giảm 10% lượng điện tiêu thụ so với mức trung bình hàng tháng trong 5 năm gần đây và giảm thêm 5% lượng điện tiêu thụ vào giờ cao điểm.

EC cũng đề xuất thiết lập giới hạn giá đối với điện sản xuất tại các doanh nghiệp có chi phí năng lượng thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt, gồm điện hạt nhân, thủy điện, điện gió, cũng như trợ cấp giá điện cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, theo hãng tin Tass, Ủy viên Năng lượng của EU, bà Kadri Simson, hôm 9/9 thông báo rằng các bộ trưởng năng lượng của EU không đạt đồng thuận về việc áp mức giá trần với khí đốt của Nga.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng xác nhận, các bộ trưởng năng lượng EU không đạt đồng thuận về việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga trong cuộc họp khẩn ngày 9/9 tại Brussels (Bỉ),.

“Không có giải pháp nào được đưa ra mà chỉ có tranh chấp chính trị. Chúng tôi hy vọng rằng tuần tới hoặc tuần sau đó, không chỉ các quốc gia thành viên, mà cả Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất quan trọng bằng văn bản” - hãng tin RIA Novosti dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Szijjarto cho biết.

Nguyễn Thu
Nguồn: kinhtedothi.vn
Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: