vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Tìm nguồn đầu tư - mã số Séc-Việt

Cập nhật lúc 16-04-2019 22:53:19 (GMT+1)
Ảnh: Petr Horčička (babylonrevue.cz)

Theo trang web của Bộ Công thương Séc, thì trong phạm vi các nước thuộc châu Á và Thái Bình Dương, Cộng hòa Séc 30 năm sau Cách mạng Nhung chỉ có thỏa thuận hợp tác với Đài loan, Miến điện, Mông cổ và Philippines. Đối với Việt nam, nước anh em thuộc khối xã hội chủ nghĩa ngày xưa, tất cả hiện đang chỉ mới bắt đầu. Một phần các cuộc đàm phán được diễn ra theo trục đảng bộ: tờ  báo IDnes từ 2010 đã viết về các hoạt động của người đứng đầu của đảng cộng sản Séc là Vojtech Filips tại Việt nam - xứ mà ông thường qua lại dưới danh nghĩa phó chủ tịch Hạ viện.

Sáu cuộc gặp ngắn ngủi với đối tác Việt tại Davos hồi tháng Một năm nay, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã đề nghị hủy thị thực cho người Séc sang Việt nam ít hơn 15 ngày mà không nhận được bất cứ hứa hẹn nào, hai chính trị gia sẽ gặp nhau một lần nữa tại Séc dịp giữa tháng Tư, vào dịp Thủ tướng Việt nam sang Praha. Công đồng Viêt tại Séc khấp khởi chờ mong. Nhiều người hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ mang lại một số thay đổi nhất định: từ tháng Bảy năm ngoái, Cộng hòa Séc đã dừng cấp thị thực lao động cho người Việt và xiết chặt cả thị thực cho 30 ngày thăm thân. Một lý do khác để khấp khởi và không kém thực dụng, là một đường bay thẳng và giá rẻ có thể được thiết lập giữa Việt nam và Praha.

Đại diện của hãng hàng không Bamboo Airways, công ty con của tập đoàn FLC có mặt trong số 40 đại diện thương mại, các doanh nhân thuộc phái đoàn cùng đi. Họ có trách nhiệm đại diện cho 4 tập đoàn nhà nước: PetroVietnam, Tổng công ty tàu thủy Việt nam, Hãng hàng không Vietnam Airlines, Tổng công ty điện lực Việt nam và gần 30 công ty tư nhân khác. Đi tìm nguồn đầu tư và hợp tác.

Danh sách các Tập đoàn, công ty, các vị đại diện và doanh nhân được công khai trên trang mạng của Liên hiệp công thương CH Séc, người đã đứng ra cùng Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Séc. Người quan tâm có thể thoải mái đăng ký tham dự.

Điều thú vị là chuyến viếng thăm này không làm cộng đồng người Việt tại Séc quan tâm thêm. Nhiều phần vì không để ý rằng 12 trong số 30 công ty tư nhân nọ, ngoài các hoạt động khác đều kinh doanh đất đai. Ở Việt nam thì người ta kinh doanh đất đai ra sao?

Cưỡng chế

Như thường gặp ở các nước nông nghiệp, người Việt không thích để đất hoang. Việt nam không công nhận quyền tư hữu đất - thay vì "đất dai thuộc sở hữu của toàn dân dưới sự quản lý của nhà nước". Vậy thì người ta kinh doanh ra sao với thứ mặt hàng do ai đó đang sử dụng, nhưng lại thuộc quyền sở hữu của toàn dân?

Huy Đức là nhà báo đã từng viết nhiều bài về các chính sách kinh tế của nhà nước. Trong hai tập của Bên thắng cuộc viết về các sự kiện từ 1975 đến 2011, ông viết về các thay đổi trong điều Luật về đất đai như sau:
"Điều 27 Luật đất đai 1993 quy định "trong trường hợp thật cần thiết, nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại", Điều luật tiếp theo còn đưa ra các điều kiện ràng buộc nhằm tránh sự lạm dụng của chính quyền. Luật sửa đổi 1998 gần như giữ nguyên tinh thần này. Nhưng đến Luật đất đai 2003, chính quyền có thêm quyền thu hồi đất để sử dụng cho mục đích "phát triển kinh tế".

Thời thủ tướng Phan Văn Khải, "mục đích phát triển kinh tế được minh định trong 3 trường hợp: xây dựng khu công nghiệp, xây dựng khu công nghệ cao, và khu kinh tế. Các nghị định ban hành trong thời gian này tuy có đưa danh sách các trường hợp bị thu hồi đất tăng lên, nhưng phải tới năm 2007, khi các nhà kinh doanh địa ốc thực sự trở thành một thế lực, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới sửa đổi chính sách làm cho đất đai của dân bị thu hồi dễ dãi

Người dân nhận đền bù theo chính sách “thu hồi” chỉ được trả một khoản tiền tượng trưng, rồi chứng kiến các nhà doanh nghiệp được chính quyền giao đất để “phát triển kinh tế” bán lại đất ấy với giá cao hơn hàng chục, có khi hàng trăm lần. Cho dù “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các quyền của người sử dụng“

Cưỡng đất là một hiện tượng xã hội đã bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ và đã làm ra đời một tầng lớp gọi là „dân oan“. Họ là những người dân quê bị mất đi không chỉ nếp nhà, mà cả ruộng đồng mà vốn là nguồn sống duy nhất của họ. Con số các nạn nhân khá lớn, tuy nhiên không có con số chính xác.

Sẽ là thiếu hoàn chỉnh một khi không nhắc tới người „dân oan“, mà thông qua số phận của họ có thể thấy cách vận hành của hệ thống tòa án, dẫu chỉ là phần nào.

Đặng Văn Hiến là người từ Đắk Nông. Theo tờ VNexpress – là một trong các tờ báo hàng đầu của truyền thông nhà nước – Hiến đã nhặt cây súng tự chế khi mà công ty Long Sơn, không có người của chính quyền đi kèm, đã cho một nhóm công nhân, bảo vệ khoảng 30 người cùng xe ủi và các máy móc khác đã tiến vào khu đất nơi Hiến và hai gia đình khác trồng điều và cafe để san phẳng khu đất. Lúc đầu, Hiến bắn lên không để cảnh cáo. Nhưng sau đó đã bắn vào đám đông làm 3 người tử vong.

Thoạt đầu, anh bỏ trốn, nhưng sau vài ngày đã quay về đầu thú công an. Tháng Sáu năm ngoái, tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ chí minh đã khẳng định bản án tử hình. Các nhân vật chịu trách nhiệm của Long Sơn bị tù giam từ 4-6 năm. Trách nhiệm hay sự liên đới đối với các cơ quan chính quyền hay là với cơ quan công an đều không được nhắc đến. Ngoài ra thì Đắk Nông cũng chính là xuất xứ của một trong 12 công ty đã nói ở trên.

Không có đất đai thì chẳng có chỗ mà xây resort, hay sân golf, thậm chí cả trung tâm bay của hãng hàng không Bamboo Airways. Cả FLC cũng dính líu đến việc cưỡng chế. Không thiếu các bài báo nói về các sai phạm của Tập đoàn FLC trên các trang báo chí chính thống của nhà nước. Tháng Mười 2018, Báo Giaoduc.net đã lên một danh sách các sai pham được đăng trên các nguồn truyền thông nhà nước, trong đó có việc bán chui cổ phiếu, hay là việc xây tòa nhà 18 tầng không có giấy phép.

Không nghi ngờ rằng FLC là một trong các tập đoàn lớn nhất. Đài Á châu tự do đã viết về họ: „Là một trong 10 tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, truyền thông trong nước cho biết Tập đoàn này đã và sẽ có tổng cộng 11 dự án ven biển ở 14 tỉnh miền Trung“…. „Không chỉ có được những vị trí đất “vàng” tại các thành phố lớn, bờ biển, thậm chí hồi cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn này vấp phải phản đối gay gắt từ phía dư luận, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch di dời đồn biên phòng Bình Hải trên địa bàn tỉnh này để giao đất cho FLC xây dựng khách sạn, sân golf“. Rõ ràng FLC không thiếu các mối quan hệ quyền thế, mà có thể chính là ưu điểm lớn với những ai đang muốn hợp tác, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Du lịch – một trong những điểm chung. Nhưng thực hiện ra sao?

Khi đề nghị hủy thị thực cho người Séc sang Việt nam dưới 15 ngày, Thủ tướng Andrej Babis – một thương gia kỳ cựu hẳn biết Việt nam đang khát du lịch đến mức nào, mà điều này cũng chẳng có gì là bí mật. Lonely Planet (Việt nam, Campuchia, Lào và Bắc Thái lan) đánh giá du lịch Việt nam như sau: „một nghiên cứu do Liên minh châu Âu tài trợ cho thấy, chỉ 6% những người được hỏi cho biết họ vẫn muốn quay trở lại Việt nam, và nghiên cứu này đã làm hàng loạt bài báo xuất hiện.  Vietnam Tourist  Cơ quan Du lịch của Việt nam đã hoảng hốt đặt hàng một nghiên cứu mới, mà theo đó, kết quả có khả quan hơn . Tuy vậy, thông điệp chính vẫn là rõ ràng – các du khách coi tình trạng giao thông ở đây là nguy hiểm, các cơ sở hạ tầng là yếu kém, họ thấy mình bị các gánh hàng rong quấy rối, bị những người bán hàng trong cửa hàng ăn quỵt, họ bực bội vì thiếu các thông tin du lịch đáng tin cậy. Rất nhiều việc cần phải làm, và nhất là chính bởi Vietnam Tourist mà thường bị chỉ trích là hay thiên về việc tổ chức các tour kiếm lãi, chứ không quan tâm đến việc cung cấp các thông tin du lich trung thực“

Năm ngoái đã có khoảng 10 triệu du lịch đến Séc – là xứ sở của 10 triệu dân, điều này phần nào cho thấy chất lượng dịch vụ du lịch tại Séc. CH Séc trước đây đã từng phải chiến đấu với giới taxi thiếu trung thực, ngày nay có vẻ CH Séc đã tìm được cách xử lý các quầy đổi tiền thiếu đứng đắn. Một sự cộng tác và một khoản đầu tư nào đó từ CH Séc có thể sẽ là lợi cho cả hai bên.

Bốn ngày trước chuyến thăm chính thức CH Séc, tại Diễn đàn về đề tài Du lịch Việt nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về ba yếu tố mà ông coi là quan trọng để phát triển du lịch tại Việt nam: con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược. Hẳn ai cũng có thể đồng ý.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu có thể nói tới yếu tố con người mà không nhắc tới các giá trị con người và quyền con người?

Tương tự như Tiệp khắc duới thời toàn trị, Việt nam vẫn đang nghiến răng nghiến lợi ngăn cản việc thành lập các công đoàn độc lập. Công đoàn độc lập cũng chính là một trong các lý do, tại sao Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu vẫn chưa được phê chuẩn, mặc dù lẽ ra đã phải có hiệu lực từ năm ngoái.

Liệu sau 30 năm dân chủ, liệu CH Séc sẽ nỗ lực thúc đẩy di sản và các giá trị của Cách mạng Nhung?

Liệu các di sản này sẽ được thể hiện trong kết quả của cuộc đàm phán giữa CH Séc và Việt nam sẽ diễn ra trong những ngày tới đây? Chúng ta hãy chờ xem sao và nhất là hãy cùng theo dõi.

Thanh Mai

Bài viết bằng tiếng Séc đăng trên https://babylonrevue.cz

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: