vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Thị thực Séc có cởi mở sau chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam?

Cập nhật lúc 09-04-2019 20:39:46 (GMT+1)
Hai thủ tướng Việt Nam và Séc ở Davos

Trong khi tạm thời đến thời điểm này nước chủ nhà hoàn toàn yên ắng thì nhiều nguồn tin từ Việt Nam đã công bố thủ tướng CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ sang thăm chính thức Cộng hòa Séc theo lời mời của thủ tướng Andrej Babiš từ 16 đến 18 tháng Tư 2019. Thậm chí đồng thời đặt cả kỳ vọng cho cơ hội cởi mở chính sách thị thực cho công dân Việt Nam.

Theo website chính thức của Hội Séc- Việt, tháp tùng thủ tướng Phúc là phái đoàn 45 doanh nghiệp Việt Nam. Chuyến thăm của Nguyễn Xuân Phúc là tiếp nối đàm phán giữa hai thủ tướng CHXHCN Việt Nam và CH Séc đã bắt đầu hồi thượng tuần tháng Một ở Davos bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Trong đoàn doanh nghiệp Việt Nam ví dụ có đại diện Phòng Kinh tế và Thương mại Việt Nam (VCCI) hay hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways đang có ý định mở đường bay trực tiếp nối Việt Nam với Praha. Petro Việt Nam và Vietnam Airlines Corporation cũng có đại diện. Theo kế hoạch hai thủ tướng cũng tham dự Diễn đàn doanh nghiệp và đầu tư Séc- Việt do Hiệp hội công nghiệp và giao thông CH Séc và VCCI phối hợp tổ chức.

Hội Séc- Việt rất hãnh diện khi bốn đại diện cấp cao nhất của hội là chủ tịch danh dự Marcel Winter, chủ tịch Miloš Kusý và hai phó chủ tịch Jaroslav Vítek, Jiří Hruška sẽ được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời gặp. Hội Séc- Việt kỳ vọng chuyến thăm của thủ tướng Phúc sẽ góp phần tăng cường hợp tác kinh tế và nhất là cải thiện chính sách thị thực.

Trong khi phía Séc kể từ tổng thống tới thủ tướng đã nhiều lần chính thức đề nghị Việt Nam đơn phương bãi bỏ nghĩa vụ thị thực cho công dân Séc khi đến Việt Nam du lịch và cho tới nay đề nghị này vẫn chưa được đáp ứng, thì ở chiều ngược lại vì những lí do tế nhị CH Séc trong những năm gần đây trái lại có xu hướng thắt chặt chính sách thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam. Thậm chí từ mùa Hè năm ngoái với lí do an ninh CH Séc đã dừng cấp thị thực lao động và kinh doanh cho công dân Việt Nam từ Hà Nội.

Trong nghị quyết số 474 ngày 18 tháng Bẩy 2018 về di trú sang CH Séc từ Việt Nam- tổng quát tình hình và nguy cơ an ninh, với hai điều khoản, thứ nhất: tiếp nhận thông tin trong phần III tài liệu số V202/2018 - di trú sang CH Séc từ Việt Nam- tổng quát tình hình và nguy cơ an ninh; và phần hai: đặt nhiệm vụ cho phó thủ tướng thứ nhất và bộ trưởng Nội vụ phối hợp với bộ Ngoại giao với hiệu lực cấp kỳ ra lệnh cho cơ quan đại diện CH Séc ở Hà Nội chỉ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực dài hạn cho mục đích đoàn tụ gia đình, du học và nghiên cứu. Tất cả các loại thị thực dài hạn khác hoãn vô thời hạn. Và nội dung văn kiện số V202/2018 - di trú sang CH Séc từ Việt Nam- tổng quát tình hình và nguy cơ an ninh, cho tới nay vẫn nằm trong qui chế mật không phổ biến.

Trong khi cộng đồng Việt Nam ở CH Séc là cộng đồng thiểu số ngoại quốc đông thứ ba sau Slovakia và Ukraine, thì theo thống kê chính thức của bộ Ngoại giao CH Séc, từ những năm 2016, 2017 số thị thực nhập cảnh ngắn hạn (dưới 90 ngày) với mục đích thăm thân, du lịch cấp cho công dân Việt Nam là vô cùng khiêm tốn.

Một vài con số ví dụ: Trong năm 2016 số lượng đơn đề nghị cấp thị thực ngắn hạn của công dân Nga là 197 870, Trung Quốc 65 058, Ukraine 89 218, Ân Độ 18 307, Thổ Nhĩ Kỳ 21 415. Nhận được thị thực : Nga 196 552, Trung Quốc 63235, Ukraine 83 517, Ấn Độ 17 325, Thổ Nhĩ Kỳ 20785.

Trong năm 2017 các con số này là: Đơn đề nghị: Nga 279 378, Trung Quốc 108 974, Ukraine 74 123, Ấn Độ 30 184, Thổ Nhĩ Kỳ 22 915. Nhận được thị thực: Nga 277 794, Trung Quốc 104 297, Ukraine 69 097, Ấn Độ 26 806, Thổ Nhĩ Kỳ 21 716.

Việt Nam không nằm trong TOP 10 các nước có số lượng đơn đề nghị nhiều nhất. Trong TOP 10 này Arabie Saud có lượng đơn thấp nhất, năm 2016 có 4450 và 2017 lên 7098.

 Theo bộ Ngoại giao CH Séc, các cơ quan đại diện phải đương đầu với làn sóng đơn cao nhất là tại Moscow, Lvov, Peking, Sanghai và Kyjev.

Qua các số liệu này thấy rõ, nguyên nhân cơ quan đại diện CH Séc ở Hà Nội tạm hoãn nhận hồ sơ thị thực chắc chắn không phải vì thiếu nhân sự, mà vì lí do an ninh. Lưu ý, trong năm 2017 số công dân Việt Nam (489) bị truy tố ở CH Séc đứng vị trí thứ năm sau Slovakia 2606, Ukraine 1470, Rumania 595 và Ba Lan 525.   

Vậy liệu trong các ngày từ 16 đến 18 tháng Tư tới thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể thúc đây thay đổi theo hướng tích cực được chút gì trong vấn đề thị thực đang được rất nhiều người Việt Nam quan tâm này?

David Nguyen – vlada.cz, TTXVN

©Vietinfo.eu

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: