Dân quê Séc chỉ trích quầy thực phẩm Việt lậu thuế
Theo số liệu chính thức, CH Séc đã cấp 29 500 giấy phép kinh doanh cho người Việt Nam, nhưng chỉ 5% trong số đó nộp thuế DPH, Roman Bruzl, chủ tịch Hội người tiêu dùng Sušice Tây Séc ZKD lên tiếng.
Ngoài ra, giới kinh doanh tại các làng nhỏ thuộc vùng Plzeň cho biết, những người Việt buôn bán thực phẩm ở đây còn được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi hơn họ. “Theo luật, đối tượng có nghĩa vụ nộp DPH là những người có thu nhập từ 90 nghìn korun một tháng trở lên. Các cửa hàng của người Việt làm ra được nhiều hơn thế,” Bruzl nói.
Vấn đề thứ hai được ông vạch ra đó là kiểm kê doanh thu. Không một ai, kể cả sở tài chính cũng không thể nắm được con số thực tế. “Một là họ không dùng gì, hoặc máy tính tiền mà chỉ thi thoảng mới in hoá đơn,” Bruzl cho biết. Theo ông, những tiểu thương Việt Nam mua hàng hạ giá tại các siêu thị lớn bằng tiền mặt hàng ngày, sau đó mang về cửa hàng của mình bán. Tuy nhiên, những đợt mua hàng như vậy không được họ liệt kê vào khi khai thuế.
Trong khi đó, các phòng thuế khẳng định, họ kiểm tra người Việt cũng giống như tất cả các hộ kinh doanh cá thể khác. “Nhưng câu hỏi được đặt ra là, liệu các cửa hàng của người Việt có thu nhập cao như vậy không, đến mức họ phải nộp thuế DPH,” giám đốc sở tài chính Plzeň Roman Kasl băn khoăn. Ông cũng không loại trừ khả năng, những tiểu thương này lấy hàng bằng tiền mặt rồi sau đó không đưa vào danh sách thu chi. Qua đó, họ giảm được cả chi phí lẫn lợi nhuận. Ví dụ, theo số liệu do Makro Plzeň cung cấp, sức mua của người Việt chiếm tới 1/4 doanh số của siêu thị này. Sở tài chính cũng để mắt tới việc này, xem liệu họ có đưa hoá đơn mua hàng tại Makro vào tính thuế không.

Các quầy hàng thực phẩm ở làng quê đang cạnh tranh lớn, ảnh: webnode.
Bruzl cũng lưu ý đến tình trạng vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các cửa hàng của người Việt. “Tôi tin chắc rằng, trong lĩnh vực này họ cũng không hoàn toàn trong sạch. Khi đoàn thanh tra đến khám cửa hàng chúng tôi, họ rà soát tất cả mọi thứ. Vì vậy họ cũng cần phải kiểm tra cả của người Việt. Đó mới là kinh doanh bình đẳng,” ông chỉ trích.
Trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, cửa hàng tại các làng nhỏ hiện đã san bằng được, thậm chí trong nhiều trường hợp họ còn bán rẻ hơn. Theo Bruzl mạng lưới các cửa hàng tại vùng Plzeň và Karlovy Vary hiện đã dày đặc. Chỉ riêng tại Sušice với 11 nghìn dân đã có tổng cộng tới 8000 m2 cửa hàng thực phẩm, cao hơn so với nước láng giềng Đức nếu chia ra đầu người. Tại đây, ZKD có 3 cửa hàng với tổng diện tích khoảng 1000 m2.
Do ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh khốc liệt với các cửa hàng của người Việt, siêu thị lớn và các cửa hàng giáp giới phía bên Đức, 3 năm trở lại đây doanh thu của ZKD Sušice đã sụt giảm 20%. Theo Bruzl, các cửa hàng người Việt tăng trưởng tới mức chóng mặt trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt tại Tây Séc, trong khi đó tại Morava vẫn còn lẻ tẻ. Chủ các cửa hàng này được thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước như ČOI và ČZPI. Trong khi ZKD sở hữu 125 cửa hàng thực phẩm tại 3 vùng Klatovy, Domažlice và Sokolov, người Việt cũng có tới 80 cửa hàng.
Ngọc Minh - vietinfo.eu E15.cz