vietinfo di động
Thư mục
Thể thao

V.League: Cơn ác mộng của những cầu thủ Việt kiều

Cập nhật lúc 07-04-2014 17:19:16 (GMT+1)
Lee Nguyễn và Mạc Hồng Quân (ảnh trái) gặp ác mộng ở V.League.

Đã có rất nhiều cầu thủ Việt kiều tìm đường trở về Việt Nam với hy vọng sẽ tìm được mảnh đất màu mỡ lập nghiệp. Thậm chí, họ còn hy vọng được góp mặt vào Đội tuyển Quốc gia. Thế nhưng dường như V.League, hay nói đúng hơn, bóng đá Việt Nam đã trở thành một cơn ác mộng… Gần đây nhất, Mạc Hồng Quân - cầu thủ từ Séc trở về, từng khoác áo tuyển U.23 Việt Nam đã bị Thanh Hóa chấm dứt hợp đồng cho dù mùa trước, Mạc Hồng Quân đã thi đấu rất tốt. Tại sao các cầu thủ Việt kiều lại không thể tỏa sáng được ở Việt Nam?

Đất chưa lành, chim chưa đậu

Đúng 10 năm trước, khi HLV người Brazil Tavares còn nắm đội tuyển chuẩn bị cho Tiger Cup 2004 đã khá ấn tượng trước lời giới thiệu của một vị lãnh đạo VFF về cầu thủ gốc Việt có tên Ludovic Casset. Ấn tượng tới mức, ông Taveres đã yêu cầu VFF tổ chức hẳn một trận đấu để thử chân Ludovic Casset - tên Việt là Mã Trí.

Người hâm mộ cả nước hồi hợp chờ sức mạnh từ cầu thủ mang hai dòng máu Việt - Pháp, từng được đào tạo ở AJ Auxerre - một trong những CLB danh tiếng của Pháp. Thế nhưng Mã Trí chỉ để lại nỗi thất vọng lớn và ngay cả khi cầu thủ này ký hợp đồng 3 năm với CLB Đà Nẵng thì anh nhanh chóng bị cất lên ghế dự bị bất chấp mức lương Đà Nẵng trả rất cao là 3.500 USD/tháng. 

Chỉ ở Đà Nẵng chưa đầy năm, do không chịu nổi vì bị bỏ quên, Mã Trí còn tính kiện CLB. Cuối cùng hai bên đã thỏa thuận và cuối cùng, Mã Trí về Pháp kết thúc cuộc phiêu lưu ở Việt Nam.

Một thời gian sau, nhờ sự giới thiệu của các đối tác, một cầu thủ trẻ tuổi từ Ba Lan bay về Việt Nam thử việc. Đó là Toni Lê Hoàng, 19 tuổi, Lê Hoàng là cái tên “nổi sóng” trong giới bóng đá học đường ở Ba Lan với thành tích là cầu thủ xuất sắc nhất U.19 Ba Lan trong hai năm liền (2004 - 2005), cùng CLB Legia Warszawa vô địch giải bóng đá U.19 quốc gia Ba Lan năm 2005. 

Trong suốt 8 năm chơi cho đội trẻ của CLB Legia Warszawa, tiền vệ sinh năm 1986 này là một chân sút siêu hạng với 41 bàn (1997/98), 38 bàn (1998 /99), hơn 20 bàn (1999/2000). Với lý lịch khá hoành tráng, Lê Hoàng được kỳ vọng là… Văn Quyến mới (lúc ấy Quyến đã bị kỷ luật vì nghi án bán độ). 

Thế nhưng, Lê Hoàng lại không thể hiện được nhiều trong màu áo tuyển QG, tuyển U.23 cũng như những CLB muốn chiêu mộ anh là HPHN. Sau chuyến trở về Việt Nam đầy thất bại này, Lê Hoàng theo đuổi nốt con đường học hành và từ giã luôn tham vọng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Lần lượt tiếp theo là những cầu thủ triển vọng, Emil Le Giang, Patrick Lê Giang, Lê Thanh Giang đều trở về rồi ra đi lặng lẽ…

Vì sao?

Câu trả lời dễ tìm thấy trong trường hợp cầu thủ Việt kiều tài năng nhất, nổi tiếng nhất. Đó là Lee Nguyễn. Lee Nguyễn tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1986. Khi còn học đại học, Lee Nguyễn được coi là thần đồng bóng đá Mỹ. 

Ở tuổi 20, Lee Nguyễn được khoác áo đội tuyển U.20 Mỹ tham dự VCK giải U.20 thế giới. Vào giữa năm 2007, Lee Nguyễn được khoác áo tuyển Mỹ và trận đầu tiên là trận tuyển bóng đá Mỹ thi đấu với tuyển Trung Quốc. 

Tài năng của Lee lọt vào mắt xanh ban tuyển trạch của PSV Eindhoven (Hà Lan) rồi sau đó được đưa qua Rander thi đấu tích lũy kinh nghiệm.

Tháng 10.2008, ông bầu Đoàn Nguyên Đức bất ngờ tuyên bố đã có trong tay hợp đồng với Lee Nguyễn. Đây là cú sốc lớn của bóng đá Việt bởi tên tuổi Lee Nguyễn đã nổi như cồn. Với tài năng của mình, Lee Nguyễn dễ dàng chinh phục NHM bóng đá Việt. 

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn Lee Nguyễn gặp chấn thương, bất đồng với đồng đội. Dù rất tiếc nhưng bầu Đức phải thanh lý hợp đồng với Lee Nguyễn. Cầu thủ này sang Bình Dương chơi bóng nhưng cũng chỉ được một thời gian.

Lee Nguyễn khăn gói trở về nước. Điều ngạc nhiên là trong khi chật vật tại một giải đấu thấp kém là V.League thì Lee Nguyễn lại tỏa sang ở giải đấu nhà nghề Mỹ MLS. Trong màu áo New England Revolution, Lee Nguyễn đã chơi cực tốt và có nhiều bàn thắng thuộc hàng siêu phẩm. 

Báo chí Mỹ bình luận: “Liệu cầu thủ nào của New England Revolution chơi tốt hơn Lee Nguyễn? Anh ấy là người có thể khiến mọi điều xảy ra. Nếu Lee Nguyễn, Kelyn Rowe và Benny Feilhaber cùng lúc xuất hiện trên sân thì quả thực New England Revolution đang sở hữu hàng tiền vệ giỏi nhất MLS”.

Trước khi về Mỹ, Lee Nguyễn để lại một câu nói mà nhiều người phải suy nghĩ: “Cứ ở V.League, tôi sẽ chết vì stress!”.

Stress cũng chính là điều Mạc Hồng Quân - từng được đào tạo ở CLB Sparta Praha - CH Séc - đang phải chịu đựng. Hồng Quân đã có màn ra mắt ấn tượng khi được mời khoác áo U.23 Việt Nam. Thế nhưng, Quân càng đá càng… lạc lõng với đội. Khi được Thanh Hóa ký hợp đồng năm ngoái, lúc đầu Hồng Quân cũng đã chơi tốt, nhưng đến mùa giải này, Hồng Quân gần như im tiếng.

Lee Nguyễn, Hồng Quân và nhiều cầu thủ Việt kiều khác đã không thể hòa nhập được với V.League. Họ được đào tạo ở những nền bóng đá chuyên nghiệp và có vẻ như lạc lõng giữa V.League đầy mưu mô. 

Đã có chuyên gia nhận xét rằng, có rất nhiều cầu thủ Việt kiều không thể hiện được khả năng chỉ vì đồng đội không muốn tiếp nhận họ, không chuyền bóng và không tạo cơ hội.

Thói đố kỵ và tính thiếu chuyên nghiệp trong bóng đá vẫn còn đó và nó là một trong những nguyên nhân khiến những cầu thủ Việt kiều dù rất muốn chơi bóng ở Việt Nam cũng… chào thua.

Nguồn: Thành An/ Laodong