Ozil rời tuyển Đức vì 'bị phân biệt chủng tộc'

Mesut Ozil tuyên bố rời Đội tuyển bóng đá quốc gia Đức vì "nạn phân biệt chủng tộc và sự thiếu vắng tôn trọng" với anh ở Đức vì có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm nay 29 tuổi, Ozil, sinh ra ở Gelsenkirchen, nước Đức trong gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ và bị phê phán vì chụp hình với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại một sự kiện ở London hồi tháng 5.
Hiện Ozil đang đá cho đội Arsenal ở Anh Quốc.
Anh cho biết sau khi Đức thua ở FIFA World Cup 2018 tại Nga, anh nhận được nhiều email căm thù, đe dọa.
Bốn năm trước, Ozil có vai trò quan trọng trong các trận đấu đưa Đức lên ngôi vô địch World Cup.
Phản ứng khác nhau
Thủ tướng Angela Merkel nói chuyện với Mesut Ozil (bìa trái, ngồi) ở Ba Lan khi tuyển Đức sang tham dự giải Euro 2012
Trong tuyên bố cho báo chí, Ozil viết:
"Tôi cảm thấy không được hoan nghênh và những gì tôi đạt được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bóng đá quốc tế năm 2009 đã bị lãng quên."
Họ coi tôi là người Đức khi ghi bàn thắng và coi tôi là kẻ di dân khi chúng tôi thua Mesut Ozil |
"Họ coi tôi là người Đức khi ghi bàn thắng và coi tôi là kẻ di dân khi chúng tôi thua."
Theo đài DW của Đức, bà Wiebke Muhsal, phó chủ tịch phân bộ của AfD - đảng cánh hữu bài ngoại - ở tiểu bang Thuringen, nhắn trên mạng Twitter:
"Anh ta mất nhiều thời gian quá để quyết định nhỉ."
"Ozil phàn nàn là không được tôn trọng? Tôi không thấy được một sự cam kết cho nước Đức, cho các biểu tượng Đức như quốc kỳ từ anh ta."
Trong một bức hình đăng trên báo chí, Ozil cầm cờ Thổ Nhĩ Kỳ khi đứng cạnh Tổng thống Erdogan.
Còn bà Katarina Barley, Bộ trưởng Tư pháp Đức, thì có ý kiến khác.
Cũng nhắn trên Twitter, bà viết:
Đảng AfD vận động và nhấn mạnh vào chủ trương chống di dân và nêu hình ảnh bài bác Hồi giáo. Hình của AfD lên án mạng che mặt Burka của phụ nữ theo đạo Hồi và nói nó không phù hợp với phụ nữ Đức
"Đây là dấu hiệu mang tính báo động rằng cầu thủ đội Đức như Ozil không phải thấy được hoan nghênh ngay trên đất nước của anh ta vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cảm thấy không được Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đại diện."
Bên cạnh chuyện bóng đá, chính trị Đức đang bước vào một giai đoạn nhiều căng thẳng với chính phủ Liên bang của bà Angela Merkel bị phe tả và phe hữu cùng phê phán về vấn đề di dân.
Sự lớn mạnh của đảng AfD công khai đòi hạn chế di dân và nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc Đức cũng khiến bầu không khí chung thêm nóng.
Nguồn: BBC