vietinfo di động
Thư mục
Thể thao

Milan khủng hoảng: Đi về đâu, "Rossoneri"?

Cập nhật lúc 18-10-2009 07:07:28 (GMT+1)
Ronaldinho không tỏa sáng như kỳ vọng của Berlusconi

Mùa Hè 2009, câu nói đáng chú ý nhất của Adriano Galliani là một tuyên bố khiến các tifosi đau lòng. Ông bảo: “Sau 23 năm là nhân vật chính trên thị trường chuyển nhượng, Milan quyết định nghỉ ngơi”.

Phải, Milan nghỉ ngơi và đến tận bây giờ, khi mùa bóng đã bước sang tháng thứ ba, khi tất cả các đội bóng đang chạy hết tốc lực, trừ các đội cuối bảng, thì dường như kì nghỉ của Milan vẫn chưa kết thúc. Các tifosi kinh hoàng nhận ra họ đang đối mặt với một mùa bóng bị khủng bố tinh thần thực sự sau biết bao những lời hứa của Berlusconi và những tuyên bố ầm ỹ vào một cuộc trẻ hóa mà Galliani đưa ra sau khi đã thay Kaka bằng Zigoni hay Di Gennaro. “Trẻ hóa” là một dự án đầy tham vọng đã được tuyên bố ầm ỹ, nhưng không khả thi: Những cái tên của các cầu thủ trẻ không kêu và họ thậm chí còn chưa bước ra sân. Chẳng có gì ngạc nhiên khi người hâm mộ Milan chỉ thiếu nước đốt cháy trụ sở của CLB ở đường Turati vào ngày Kaka ra đi và họ đang điên tiết đòi biểu tình nữa vào thời điểm này, khi đội bóng giống như một con tàu mất phương hướng đang đi trong sương mù dày đặc, trên một vùng biển toàn đá ngầm và băng trôi.

Có một thời Berlusconi làm diễn viên chính trên sân cỏ Italia: Ông là người sáng tạo ra đủ mọi thứ quy tắc của thị trường chuyển nhượng (chính Milan là người đi đầu trong việc gỡ bỏ quy chế 8+3 ở Serie A, tám cầu thủ Italia và ba nước ngoài), là người đi đầu trong việc kết hợp bóng đá với truyền hình và công nghệ giải trí (chưa nói đến kết hợp bóng đá và chính trị). Bây giờ, ông chỉ còn là một ông chủ chìm trong khó khăn, không còn quan tâm nhiều đến bóng đá nữa vì còn phải lo đấu đá chính trị và Milan trở thành một gánh nặng lớn về tài chính. Kaka bị bán đi để bù vào khoản thâm thủng ngân sách.

Nhưng với Berlusconi, mối lo lắng không phải là mất Kaka, Milan sẽ ra sao, mà là tác động chính trị của vụ mua bán này. Ông bảo: “Vì bán Kaka, tôi đã mất ít nhất 2% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội châu Âu”. Không Kaka, Berlusconi còn Ronaldinho. Nhưng ngay cả Ronaldinho cũng không hề làm Berlusconi nở nụ cười, bất chấp những chiến dịch thông tin ầm ỹ mà ông chủ truyền thông lớn nhất Italia đã ra sức nhào nặn và cưng nựng người từng đoạt Quả bóng vàng năm 2005. Vì anh, mà ông đưa ra đủ mọi lí do, chẳng hạn như đã đổ sạch xuống sông biển những đóng góp của Ancelotti. Ông bảo: “Hệ thống chiến thuật của Ancelotti đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tiến bộ của Ronaldinho”. Ancelotti ra đi. Leonardo đã tới và tạo cho Ronaldinho mọi cơ hội để tthể hiện mình. Nhưng vẫn không một ai nhận ra nổi người đã từng làm cả thế giới mê mệt cách đây chỉ dăm ba năm.

Từ người luôn đi đầu với những cái mới, giờ đây, Berlusconi trở thành người đi sau những đội bóng hùng mạnh nhất châu lục trên nhiều vấn đề, từ SVĐ của riêng CLB, thương mại, tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ, hoạch định cho tương lai... Milan tụt lùi và chấp nhận đứng sau tất cả, vì không còn sáng tạo, quyết đoán và nhanh lẹ trên thị trường chuyển nhượng mà họ chỉ còn dựa vào đội ngũ mỗi năm một già đi. Tuổi trung bình của đội gồm 27 người lên tới 29,37 và lẽ ra còn cao hơn nữa, nếu BLĐ Milan không đưa về những Zigoni (19 tuổi), Beretta (17 tuổi) hay Di Gennaro (21 tuổi). Trong khung thành, là những Abbiati và Storari cùng 32 tuổi và Dida 36 tuổi.

Ở hàng phòng ngự, người trẻ nhất là Thiago Silva cũng đã 25 tuổi, trong khi già nhất là Favalli đã sang tuổi 38. Ở hàng tiền vệ, Abate (trẻ nhất, 23 tuổi) cùng với Flamini (25) là những người dưới 30 hiếm hoi bên cạnh những Ambrosini (32), Gattuso (31) và Seedorf (33). Trên hàng công, Inzaghi vẫn thường xuyên ra sân với 36 xuân xanh trên vai. Juventus có tuổi trung bình 28,37; Inter 27,96; Roma 27,36; Fiorentina 26,44... Milan là đội bóng già nhất ở Champions League mùa này, trong khi tuổi trung bình của các đội khác chỉ là 26,1; nghĩa là ít hơn đến 3 tuổi so với những “ông nội” Milan. Galliani nói gì? “Bộ khung của Milan được xây dựng trên đội ngũ đã giành Champions League 2003. Đội bóng này đã lên đến đỉnh thế giới vào năm 2007 và sau chức vô địch Champions League giành được ở Athens, các tifosi sẽ nổi loạn nếu như chúng tôi bán đi một trong số những “nghị sĩ” như Pirlo, Gattuso hay Ambrosini”.

Đấy là một lời nói dối trắng trợn, vì những gì diễn ra sau Athens đã khẳng định rằng Galliani và BLĐ chỉ ra sức bao biện cho những sai lầm của họ. Cụ thể: Đội bóng không được làm mới bằng những nhân tố trẻ trung tài năng thực sự, với ngoại lệ duy nhất là sự có mặt của Pato vào mùa Hè 2007. Những ai đã đến Milan trong suốt thời gian ấy? Emerson, Shevchenko, Ronaldinho, Beckham. Và dường như chưa đủ, sau khi đã rước Beckham về San Siro vào tháng 1/2009, Galliani sẽ đưa tiếp tiền vệ người Anh này đến đây vào tháng 1/2010, để thu nốt những đồng euro rơi vãi từ một vài hợp đồng quảng cáo với anh!

Berlusconi nói Milan cần cắt giảm chi phí và không mua sắm ầm ỹ nữa. Cuộc khủng hoảng kinh tế buộc tất cả phải tằn tiện, kể cả Milan. Một lời nói dối nữa, vì nếu không còn tiền, tại sao vào mùa Hè 2008, Milan vẫn chi ra chín triệu euro cho Zambrotta (lúc đó đã 31 tuổi) và 21 triệu cho Ronaldinho (khi đó 28), đưa tiếp về San Siro Shevchenko và phải trả cho anh năm triệu euro tiền lương chỉ để ngồi chơi xơi nước, khi Ancelotti kêu gào muốn có Adebayor và một trung vệ xuất sắc? Galliani hứa trẻ hóa từng phần, và ông đưa về những “ngôi sao băng” Cardacio, Viudez và Mattioni, mà một trong số họ đã lấy đi chỗ cầu thủ ngoài EU của Thiago Silva, người được Leonardo đưa về từ tháng 1/2009, khiến anh không thể ra sân trong các trận chính thức suốt nửa năm trong thời điểm Milan rất cần một trung vệ như anh.

Mùa Hè 2009, Berlusconi nhất định không chịu bỏ tiền ra để rồi tuột mất Edin Dzeko và Luis Fabiano, và rồi khi tình hình hàng công trở nên nguy cấp, đành phải cắn răng bỏ ra 15 triệu euro để đưa về Huntelaar và làm mọi cách để ngăn cản Pirlo và Pato sang Chelsea. Những đòi hỏi về các hậu vệ cánh của Ancelotti và bây giờ, Leonardo, bao giờ cũng nóng bỏng. Nhưng Berlusconi vẫn phớt lờ và rồi chỉ vì keo kiệt không chịu chi 15 triệu euro cho Cissokho để rồi viện cớ anh này có vấn đề về... răng, nhằm đẩy anh đi. Giờ thì cầu thủ này đã trở thành một ngôi sao chói sáng của Lyon và nhanh chóng làm quên đi Grosso. Trong khi ấy, Milan vật lộn với vô số vấn đề liên quan đến các hậu vệ chơi cánh. Abate dư sức nhưng thiếu thông minh. Zambrotta và Jankulovski để quên phong độ của họ theo năm tháng.

Chẳng có gì để nói nữa cho Kaladze. Chẳng có gì ngạc nhiên khi những đội bóng cơ động ở hai biên như Zurich, Bari hay Atalanta đã quay hàng thủ Milan như chong chóng, thậm chí dù họ chơi thiếu người. Giờ đây, ở San Siro, người ta lại nhắc đến những cái tên như Rafinha hay Bale. Nhưng liệu đấy chỉ có thể là tin đồn hay là sự thật? Điều mà các tifosi có thể nói trước: Càng keo kiệt bao nhiêu vào mùa hè thì vào kì chuyển nhượng mùa đông, để cứu lấy vị trí bấp bênh của mình, Berlusconi lại càng phải chi bấy nhiêu. Nhưng đến khi ấy, Milan đã đánh mất một nửa mùa bóng rồi. Nửa còn lại là những cuộc chạy trối chết để đạt được một vị trí dự Champions ngõ hầu gỡ gạc những khoản thâm hụt khổng lồ. Nhưng bây giờ, mục tiêu ấy cũng trở nên khá xa vời, và phải chăng để lấy lại những gì còn có thể lấy được, Galliani lại phải đưa Beckham về San Siro, để rồi như mấy tháng đầu năm 2009, tổ chức một loạt các trận giao hữu vô bổ nhằm mục đích duy nhất là kiếm tiền.

Các nhà bình luận thống nhất với nhau rằng, với sự khởi đầu tệ hại như thế này, một mùa bóng nữa thế là lại sắp vứt đi. Leonardo đang vật lộn với đội bóng và sau bảy trận Serie A, người HLV trẻ vẫn không thể nào thành công trong việc xây dựng lối chơi và thu được những kết quả đáng kể. Việc không tạo lập được lối chơi thể hiện ở con số bàn thắng hết sức nghèo nàn: Chỉ bốn bàn thắng được ghi sau bảy trận, tức trung bình 0,57 bàn/trận. Chỉ có mùa bóng 1981-1982, mùa bóng mà họ tụt Serie B, Milan mới ghi được ít bàn đến như thế. Trong năm mùa bóng trước mùa này, chỉ có mùa 2006-2007 (mùa hậu Calciopoli), đội quân áo đỏ - đen mới ghi được ít bàn thắng gần giống thế này sau sau trận: Sáu bàn. Một năm về trước, số bàn thắng là 11, trong khi cùng kì mùa 2007-2008, con số là 13, nghĩa là hơn hiện tại đến 70%.

Vậy mà Leonardo đã thử bố trí tất cả những cầu thủ có thể đá được trong hàng tấn công ra sân, cả thảy 5 người, Pato, Inzaghi, Borriello, Huntelaar và Ronaldinho, người được Berlusconi chỉ thị là phải cho đá “bên cạnh Pato, phía trên Seedorf”. Leonardo tội nghiệp cứ lắp ráp các loại đội hình với nhau mà vẫn cứ bó tay chịu trận. Mà chính anh cũng là một sản phẩm hoàn hảo của Berlusconi: Ông dễ chỉ bảo anh hơn là đưa ra những mệnh lệnh cho một HLV đã thành danh như Spalletti và ông cũng dễ lôi anh ra để chịu trận vì thiếu kinh nghiệm hơn là những người khác. Mà xét cho cùng, trong một mùa bóng lủng củng nhân sự và tài chính - dù đã bớt đi vài chục triệu euro tiền lương của Kaka, Shevchenko, Senderos, Emerson, quỹ lương của Milan vẫn cao ngất ngưởng, trong khi không ai có thể hiểu nổi tại sao Milan lại có thể gia hạn HĐ đến 4,5 triệu euro/mùa với Dida - thì việc lôi một HLV trình độ tầm thường ra để chịu báng cũng là chuyện chẳng có gì khó hiểu.

Quá nhiều những sai lầm đã đưa Milan đến những thất bại hôm nay. Và điều kì lạ là Berlusconi, trong ngày sinh nhật của mình đã thay vì làm một điều gì đó cho đội lại phi lên tận L’Aquila để an ủi những người mất nhà cửa vì trận động đất khủng khiếp vào tháng 4/2009. Tại đó, khi được hỏi về Milan, ông bảo, “đấy là một thảm họa”. Phải, đấy chắc chắn là một thảm họa và các tifosi chỉ mong cho mùa bóng kết thúc ngay bây giờ để khỏi chứng kiến thêm thất bại. Và bây giờ lại đang ầm ỹ lên những tin đồn về việc ông có thể bán Milan cho những chủ đầu tư khác, từ Taci (người Albania) cho đến Al-Qaddafi (Chủ tịch Libya). Đến thế nữa ư, rồi đội bóng này sẽ đi về đâu?

Tifosi cũng rời bỏ San Siro

Sự thất vọng và chán chường với đường lối của CLB là lí do khiến các tifosi dần bỏ đi. Họ đã quá quen với những lời tuyên bố hão huyền của Berlusconi, người mới đây vẫn còn lên giọng tuyên bố, “Thật thất vọng với những ai nói rằng, Milan đã rút lui khỏi thị trường chuyển nhượng. Chúng ta có thể tạo ra hai đội bóng có trìn độ cao với 29 cầu thủ của chúng ta”. Phản ứng của họ thật quá rõ ràng: không thèm đến San Siro xem Milan đá nữa. Số lượng người mua vé thuê bao mùa này sút giảm thê thảm là một thực tế: Chỉ 25.984 vé được bán ra, so với 41.606 vé mùa bóng trước (giảm 39%). Điều đó đồng nghĩa với việc lần đầu tiên sau nhiều năm, Inter bán được nhiều vé thuê bao cả mùa hơn Milan. Trong 23 năm của triều đại Berlusconi, chỉ có 2 lần Milan bán được dưới 40 nghìn vé thuê bao kiểu này, là mùa 1998-1999 (37.000) và 2006-2007 (39.500). Chẳng có gì ngạc nhiên, bởi ngay cả vị Chủ tịch đáng kính là Berlusconi cũng chẳng thèm đến sân để xem Milan. Trên thực tế là ông có đến một lần, ở trận Milan thua Inter 0-4 và ông đã bỏ về trước khi trận đấu kết thúc. Người ta đã chờ đợi ông đến xem trận Milan-Bari, nhưng ông đã hủy chuyến viếng thăm Milan ở San Siro vào phút chót vì một bữa tiệc của đảng mình!

Theo VNN

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: