EURO -2020 ở 12 nước, tai họa môi trường ?
Ngày 12/06/2020 EURO 2020 chính thức khai cuộc với khuôn khổ hoành tráng chưa từng có trong lịch sử. Trong một tháng tháng, 51 trận đấu diễn ra tại 12 quốc gia trải rộng khắp trên lục địa châu Âu với khoảng cách di chuyển cách nhau nhiều nghìn km. Người hâm mộ bóng đá háo hức chờ đợi, trong khi các chuyên gia về khí hậu thì cảnh báo giải đấu là một tai họa về môi sinh.
Sáng kiến mở rộng quy mô giải bóng đá đỉnh cao châu Âu của Michel Platini, cựu chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA, ban đầu được đón nhận như là một cuộc cách mạng đem lại cơ hội đón ngày hội bóng đá cho mọi quốc gia. Nhưng giờ đây mô hình giải đấu lớn đang bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích gây phát thải lớn khí gây hiệu ứng nhà kính làm khí hậu toàn cầu bị hâm nóng.
Trước tiên là yếu tố khoảng cách giữa các nơi tổ chức trận đấu. Lấy một thí dụ : cổ động viên Ba Lan muốn xem đội tuyển nhà thi đấu vào tháng 6/2020, chỉ riêng giai đoạn vòng bảng, sẽ phải đi lại 6000 km trong 10 ngày từ Ba Lan đến Bilbao ở Tây Ban Nha rồi qua Dublin của Ailen. Nếu như đội tuyển Ba Lan được vào vòng 1/8, cổ động viên Ba Lan này sẽ phải bay tới Budapest và chẳng may đội tuyển họ vào được tứ kết và muốn tiếp tục đi theo cổ vũ đội tuyển thì họ sẽ phải di chuyển đến thành phố Baku của Azerbaidjan, ở cách 4000 km với Luân Đôn địa điểm tổ chức các trận bán và chung kết.
So sánh với giải theo thể thức cũ 4 năm trước, EURO 2016 tổ chức tại Pháp, các cổ động viên chỉ cần một chiếc vé khứ hồi tới Pháp cộng thêm với vài hành trình bằng xe lửa di chuyển đến 10 thành phố tổ chức là đủ.
Trên đây chỉ là cách tính toán trên lý thuyết.Nhưng rõ ràng mở rộng các địa điểm thi đấu ra 12 quốc gia tất yếu dẫn đến việc di chuyển tăng lên gấp bội so với ở một nước. Đó cũng là cơ sở để các nhà bảo vệ môi trường, đặc biệt là những nghị sĩ các đảng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu, lên tiếng lo ngại về tác động của EURO mở rộng đến môi trường khí hậu, một vấn đề cấp bách đang đặt ra cho toàn thế giới.
Định chế quản lý bóng đá Châu Âu cho biết trong vấn đề tổ chức giải đấu đã tính đến các yếu tố gây ô nhiễm chính là hạ tầng cơ sở và giao thông. Vì thế mà nhiều đội tuyển quốc gia bóng đá mạnh như Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, Ý, có khả năng đi xa trong giải sẽ chủ yếu thi đấu trên sân nhà ở vòng bảng nhằm hạn chế sự di chuyển của các cổ động viên cuồng nhiệt sẵn sàng di chuyển hàng nghìn km theo cổ vũ đội nhà. Ngoài ra, « rất ít các cơ sở hạ tầng cho thi đấu được xây thêm » chỉ có 1 trong 12 sân vận động, đó là sân tại Budapest, được xây mới.
Nhưng những lập luận như vậy có thuyết phục được các nhà chuyên môn ? Theo ông Andrew Walfle, nhà nghiên cứu thuộc Tyndall Centre for Climate Change Research, Đại học Manchester, xây dựng thực ra là tác nhân ô nhiễm còn hơn cả giao thông, trong các cuộc thi đấu thể thao lớn. Như vậy, EURO 2020 đã giảm phát thải ô nhiễm rất nhiều so với giải đấu khác, như giải Cúp Thế giới 2022 tại Qatar, nơi toàn bộ hệ thống sân vận động được xây mới hiện đại để phục vụ sự kiện.
Còn về vấn đề phát thải do việc di chuyển của khán giả, các nhà chuyên môn cho rằng đây là yếu tố khó có thể tính toán nhất. Các ước tính đánh giá chủ yếu dựa trên các giả thuyết, ít nhiều không sát thực tế.
Theo các tính toán cơ học sẽ có khoảng 425 nghìn tấn CO2 bị phát thải từ các chuyến di chuyển của cổ động viên, đội bóng trong thời gian diễn ra EURO 2020. Trong khi đó, theo các báo cáo sau sự kiện của các nước tổ chức trước đây, kỳ EURO 2016 tổ chức trong một nước đã làm phát thải lên tới 517 nghìn tấn CO2 và gần 1,5 triệu tấn cho Cúp bóng đá Thế giới 2018, diễn ra tại 11 thành phố của nước Nga. Tất nhiên Cúp thế giới có 32 đội tuyển quốc gia tham dự đến từ khắp các châu lục, trong khi EURO chỉ có 24 quốc gia.
Chuyên gia môi trường khí hậu Nguyễn Đức Hiệp tại bang New South Wales- Úc, cho rằng mức độ tác động đến môi trường khí hậu của việc di chuyển chưa hẳn đã đã quá lớn. Nhất là giờ đây thế giới đã có cơ chế bồi thường cho phát thải CO2 do di chuyển.
Trồng 50 nghìn cây xanh ở mỗi nước tổ chức
UEFA, nhà tổ chức giải đấu, khẳng định đã ý thức được vấn đề « cấp bách » và hứa EURO 2020 sẽ là « giải đấu tôn trọng môi trường » nhất trong lịch sử. Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu cam kết « bồi thường » 425 nghìn tấn các bon do giải đấu phát thải thông qua các khoản đầu tư vào các dự án nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm, đồng thời UEFA đã thông báo chương trình trồng 50 nghìn cây xanh ở mỗi nước đón giải đấu, việc làm được cho là mang tính tượng trưng nhiều hơn. Chuyên gia môi trường Andrew Walfle được trích dẫn ở trên cho rằng, « trồng cây rồi bỏ đi, không giải quyết được vấn đề. Việc làm này sẽ không thay đổi được khối lượng phát thải sinh ra trong giải đấu ».
Để giảm tác động lên môi trường sinh thái, UEFA dự tính sẽ cung cấp cho các khán giả có vé vào sân một loại vé miễn phí đi lại trên các phương tiện công cộng ở các thành phố diễn ra giải đấu.
Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, bồi thường phát thải là một giải pháp, nhưng ông nhấn mạnh đến các biện pháp bảo vệ môi trường tại nơi diễn ra sự kiện.
Về khía cạnh tái chế rác thải ở sân vận động, UEFA tin rằng EURO 2020 sẽ làm tốt hơn giải 2016 tại Pháp, tại đó chỉ có 38% rác thải trên sân vận động được tái chế.
Xem lại mô hình mở rộng giả đấu
Nếu như EURO mới nâng thành phần dự giải từ 16 lên 24 đội cách đây 4 năm thì, FIFA đang dự định nâng số đội dự Cúp thế giới từ 32 lên 48 đội.
Việc mở rộng quy mô giải đấu trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà tổ chức và những người bảo vệ môi trường. Trong khi đó, những sự kiện như vậy luôn là ngày hội lớn của người hâm một và là cơ hội hốt bạc đối với các nhà tổ chức.
Hồi tháng 9/2019, chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin đã thừa nhận : « đến lúc này thế giới bóng đá chưa làm được gì nhiều cho môi trường » và EURO 2020 sẽ « gây ô nhiễm nhiều ».
Gần đây định chế quản lý bóng đá Châu Âu nhiều lần nhắc đến khả năng phiên bản EURO 2020 sẽ không tiếp tục trong kỳ tới và EURO sẽ trở lại như cũ với nước chủ nhà giải 2024 là Đức.
Nguồn: Anh Vũ/ RFI