vietinfo di động
Thư mục
Thể thao

Euro 2012: Cơ hội ngàn năm có một cho cộng đồng người Việt tại Ukraina

Cập nhật lúc 24-06-2012 12:06:27 (GMT+1)

Sau Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup thì Giải vô địch bóng đá Châu Âu Euro là sân chơi lớn thứ nhì dành cho các đội bóng mạnh trong khu vực Châu Âu. Giải World Cup và Euro đều được định kỳ tổ chức 4 năm một lần xen lẫn nhau (Năm 2010 Tây Ban Nha là đội vô địch World Cup khi thắng trước Hà Lan với tỉ số 1-0 trong hiệp phụ và cũng chính Tây Ban Nha đang là đương kim vô địch Euro năm 2008).

Với những người yêu bóng đá và thích môn thể thao vua trên toàn thế giới nói chung và người Việt Nam tại Ukraina nói riêng thì năm nay là một năm đáng nhớ đối với Ukraina khi lần đầu tiên Ukraina cùng nước làng giềng Ba Lan đồng đăng cai tổ chức Euro. Các trận đấu vòng bảng được thi đấu ở cả sân Ukraina và cả Ba Lan thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên thế giới theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp qua truyền hình.

Một pha bóng của Pháp trong trận gặp Thụy Điển

Euro 2012 là cơ hội lớn để quảng bá đất nước và con người Ukraina cũng như Ba Lan đến với bạn bè khắp năm châu. Cả hai đội bóng của Ba Lan lẫn Ukraina dù không được đánh giá cao nhưng những gì họ thể hiện đặc biệt là đội Ukraina qua các trận đấu cho thấy việc cả hai đội chủ nhà lần này bị loại ở vòng ngoài là điều đáng tiếc, dù đó là điều hiển nhiên - một cổ động viên cho biết.

Một ngày làm cổ động viên trận cầu vua của giải đấu lớn nhất nhì hành tinh: Vô địch bóng đá châu Âu Euro 2012

Ở Ukraina, cộng đồng người Việt Nam tại đây cũng cảm thấy vinh dự và tự hào được sống trong không khí lễ hội những ngày đang sôi nổi diễn ra các trận đấu vòng bảng. Còn nhớ, trước đây cũng có người từng nhận định rằng người Ukraina không yêu bóng đá, nhưng tôi dám khẳng định rằng đó là cái nhìn phiến diện, thực chất họ thích bóng đá và yêu đội bóng của mình cuồng nhiệt chẳng khác nào người Việt Nam yêu đội tuyển bóng đá Việt Nam thậm chí có phần mạnh mẽ và cuồng nhiệt hơn. Vậy cách họ thể hiện như thế nào?


Sân vận động Olympic (Kiev, Ukraina) trong trận đấu giữa Thụy Điển với Pháp

May mắn có được trong tay tấm vé của một trong hai trận đấu vòng loại cuối cùng của bảng D giữa Thụy Điển và Pháp ngày 19/6 (trận còn lại giữa đội tuyển Ukraina sẽ gặp đội Anh đá ở thành phố Lvov, để xác định đội vào vòng trong). Tôi quyết định đi tìm câu hỏi cho mình bằng cách cùng gần năm chục anh em, bạn bè vượt hơn 500 cây số từ thành phố Odessa tiến về thủ đô Kiev để hòa mình vào cùng không khí lễ hội Euro đang tràn ngập khắp mọi ngả đường, mọi góc phố, mỗi ngôi nhà và quan trọng hơn là đã có sẵn trong tâm hồn mỗi con người đang có mặt tại Kiev không kể màu da, ngôn ngữ, không kể tuổi tác, không phân biệt giới tính, hay đẳng cấp trong xã hội, cũng không phân biệt nguồn gốc của anh. Từ ngày quả bóng Euro lăn, mỗi ngày có hàng trăm nghìn người hâm mộ của các đội bóng tham gia Euro và cả những cổ động viên trung lập – những người yêu bóng đá, thích không khí Euro đã tụ hội về Kiev với băng rôn, biểu ngữ, cờ và hoa, áo, mũ để cổ động.  


Cổ động viên đội Pháp

Hơn 6 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến thành phố Kiev vào một ngày nắng chói chang, oi bức của mùa hè. 4 giờ chiều, vừa qua cửa ngõ trung tâm chưa được bao lâu, xe chúng tôi bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng lại ở khu vực hội chợ tổ chức triển lãm (Ekspo-center Ukraina) nguyên nhân là để đảm bảo giao thông trong thành phố không bị ùn tắc, họ chặn tất cả các xe ngoại tuyến tiến vào khu vực nội thành - nơi sân vận động Olympic tối nay sẽ diễn ra trận đấu bóng đá. Vậy là từ đây, chúng tôi muốn vào thành phố chỉ có thể đi bằng các phương tiện công cộng mà thôi, chọn Metro làm phương tiện chính, chúng tôi chạy một mạch qua 8 bến rồi từ mặt đất chui lên đúng  vào giữa quảng trường Độc lập cũng rất thuận lợi. 

Từng sống ở thành phố Kharkov, nơi cũng có tàu điện ngầm mà những năm tháng sinh viên chúng tôi ngày nào cũng đều đặn một lần đi một lần về, bến Istory Musey là bến sâu nhất trong hệ thống tàu điện ngầm ở Kharkov với khoảng 75 mét thì vẫn chẳng là gì so với bến “Krasachic” của Kiev với độ sâu áng chừng trên 200 mét, nhìn lên không thấy điểm cuối, mà nhìn xuống thì sâu hun hút cứ như chui từ trong lòng đất ra – anh em chúng tôi đùa nhau như vậy! Cầu thang cuốn đưa chúng tôi từ lòng đất lên mặt đất thì chạy vun vút nên người không quen sẽ có cảm giác chóng mặt nhưng với những người ưa mạo hiểm thì lại cực kỳ thích thú. 


Cổ động viên đội Thụy Điển

Kiev, Kharkov và Dnhepetrovsk là 3 thành phố của Ukraina được xây dựng Metro bởi theo quy định của nhà nước Ukraina từ thời Xô viết, dân số trên một triệu người thì được xây Metro, với số dân như hiện nay nhiều lên so với trước thì nhiều thành phố đáp ứng được điều kiện xây Metro nhưng vấn đề cần giải quyết bây giờ lại nằm ở chỗ: kinh phí!


Một pha bóng trong trận Ukraina gặp Anh

Những sự kiện bên lề Euro

Quay lại chuyến hành trình của chúng tôi. Vừa lên khỏi mặt đất, bước ra khỏi cửa Metro chúng tôi bắt gặp khung cảnh ồn ào và náo nhiệt sẵn có của thủ đô Kiev cộng với không khí lan tỏa của Euro càng làm cho khí thế sôi động hơn bao giờ hết. Các dịch vụ ăn theo Euro như: hàng ăn, thức uống, kèn, trống, cờ, băng-rôn, biểu ngữ, dịch vụ vẽ cờ, biểu tượng euro theo yêu cầu của khách, rồi khách sạn, nhà hàng, đồ lưu niệm… Tất bật liền tay, tất cả đều chung một mục đích: phục vụ  Euro!


Cổ động viên Việt Nam đi Kiev xem Euro

Đang băn khoăn chưa biết nên đi thế nào, “tóm” được một cô gái Ukraina trẻ, tôi hỏi đường, không những nhiệt tình chỉ cho mà 3 người bạn khác cùng đi với cô gái còn nhã ý đưa chúng tôi đến tận nơi cần đến. Bỗng nhìn thấy trên tay của bốn bạn trẻ lỉnh kỉnh những hộp màu vẽ, tôi hỏi, các bạn ấy tranh thủ giới thiệu và quảng cáo luôn công việc đang làm là vẽ cờ các nước, biểu tượng Euro lên mặt, tay, chân theo yêu cầu của khách hàng. Việc làm này vừa để đóng góp cho phong trào vừa kiếm thêm thu nhập trong kỳ nghỉ hè. Mấy anh em tôi hào hứng ai cũng vẽ cho mình một bên là lá cờ Việt Nam, bên còn lại vẽ cờ Ukraina như biểu tượng cho tình hữu nghị của hai đất nước. Trong quá trình vẽ tôi tranh thủ hỏi chuyện, được biết các bạn ấy đang là sinh viên năm thứ nhất đại học Y ở Kiev, biết tôi là người Việt Nam, các bạn đã hỏi tôi về một người bạn Việt Nam khác có lẽ học cùng với các bạn ấy, nhưng tôi đành lắc đầu.


Cổ vũ cho một pha bóng đẹp

Sau khi vẽ xong, ai nấy đều hớn hở vì hình vẽ trên mặt rất ra dáng các fan bóng đá chuyện nghiệp. Chụp vào pô ảnh lưu niệm cùng “những tác giả” trẻ, chúng tôi lại hòa mình vào trong dòng người nườm nượp đang đổ về kín cả khu vực trung tâm. Tại đây, nhiều hoạt động bên lề Euro như diễu hành đường phố, aerobic, chương trình ca nhạc, giao lưu, biểu diễn…vẫn tiếp tục trong các ngày diễn ra Euro mang lại cho Ukraina một luồng không khí mới: náo nhiệt hơn, năng động hơn.


Vẽ cờ Việt Nam và Ukraina thể hiện tinh thần hữu nghị

An ninh được thắt chặt trong cả kỳ Euro

Một sự kiện lớn khiến hàng triệu người đổ về thủ đô Kiev những ngày này khiến an ninh tại đây được thắt chặt một cách nghiêm ngặt, ở khắp mọi nơi từ bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay, metro đều có lực lượng cảnh vệ gác cổng được trang bị đầy đủ vũ khí. Thậm chí để vào được sân khấu lớn hoặc vùng dành cho các fans tại quảng trường Độc lập mọi người đều đều phải qua cổng chính và lực lượng an ninh kiểm tra hành trang theo người vì xung quanh đều bị chắn bằng tường in hình biểu tượng Euro. Tuy nhiên không ai thấy đó là khó chịu bởi đó là công việc của cảnh vệ nhằm gìn giữa an ninh một cách đảm bảo tuyệt đối.

Mới chỉ tham gia các hoạt động ngoài đường phố, chúng tôi đã cảm thấy rạo rực và sung sướng lắm rồi, đắm mình vào không khí lễ hội mới thấy cuộc này ý nghĩa và hạnh phúc đến nhường nào, cánh cửa của tầm nhìn và sự hiểu biết cũng được mở rộng hơn!


Các phóng viên Đài truyền hình Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với các cô gái người Ukraina

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thân thương trên đất Kiev

Giữa không khí sôi đọng của ngày hội bóng đá, thời gian như lắng đọng khi ngay giữa trung tâm thủ đô Kiev chúng tôi bỗng nhiên bắt gặp một tốp người khác từ xa đi tới khoác trên mình lá cờ đỏ sao vàng, được nghe giọng nói tiếng việt, được ngắm lá cờ đỏ sao vàng thực sự là một niềm tự hào và chúng tôi cảm nhận được hai tiếng thiêng liêng “Đồng bào”. Tất cả những hình ảnh thân thương, niềm xúc động dâng trào ấy khiến khóe mắt mình cay cay, mọi thứ xung quanh đều bị nhòe đi, tôi biết mình đang khóc vì xúc động.


Đang tác nghiệp

Hình ảnh những cổ động viên mặc áo đỏ sao vàng khiến cổ động viên nước  thấy thú vị và bất ngờ nên nhiều cổ động viên khác thích thú đề nghị chúng tôi để được chụp ảnh cùng. 

Cũng tại quảng trường này, may mắn cho chúng tôi được gặp và làm quen với hai phóng viên, biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam VTV sang Ukraina để đưa tin, tác nghiệp là Nguyễn Trung Thành và Vũ Luân qua giới thiệu của chị Nguyễn Tuyết Nhung – cộng tác viên nhiệt tình của báo Doanh Nghiệp Odessa với bút danh Thương Giang. Đang lúc tác nghiệp, được gặp những người đồng bào của mình, hai bạn liền đề nghị ghi lại những hình ảnh của mọi người trng chuyên mục bên lề bóng đá, khiến ai nấy đều phấn khởi. 

Những bước chân rảo bộ đưa chúng tôi tới sân vận động Olympic nằm trong khu vực trung tâm thành phố. An ninh, cảnh vệ có ở khắp mọi nơi, để vào được đến sân chúng tôi phải qua 4 lần gác cổng có bảo vệ: cổng thứ nhất là khoảng 30 người thuộc đội an ninh đặc biệt mặc đồng phục màu tối, được trang bị vũ khí, kiểm tra có vé rồi mới lọt được tiếp vào trong, nếu không đừng dại dột mà “bén mảng” đến. Ở cổng thứ hai, có khoảng 30 người người khoác nhẹ áo gi-lê và những dòng chữ phía sau lưng là đội ngũ phục vụ Euro đứng ở cạnh các lối ra vào chỉ vừa đủ cho một người có thể lọt qua; phía ngoài dựng rất nhiều các thùng lớn kiểu dạng thùng rác để chứa đồ bị gạt lại hoặc bỏ đi. Tại cổng này, ngoài kiểm tra vé, thì tất cả mọi người còn bị kiểm tra người, túi xách: đồ ăn, thức uống thậm chí kèn trống quá to, quá dài cũng không được phép mang vào sân. Tất cả những thứ bị gạt ra có thể gửi ở quầy trông đồ.


Người hâm mộ tới sân xem trận đấu giữa Thụy Điển và Pháp

Cửa tiếp theo mang tính quyết định là máy soi vé bằng laze, vé được đặt trước máy soi, nếu không phát hiện ra điều gì máy sẽ tự động bật đèn xanh cho qua. Ở cửa này đừng nói chuyện lẻn mà vào được bởi với chiều rộng chỉ đủ cho một người vào cộng với việc các rào chắn theo kiểu cửa đẩy chắn chắn bằng các song nhôm theo chiều ngang thì một đứa trẻ con cũng khó mà lọt qua được. 

Cửa thứ tư thì nhẹ nhàng hơn, kiểm tra chỉ còn là mặt hình thức. Từ đây, người soát vé sẽ hướng dẫn bạn tới chỗ ngồi theo số đã quy định trên vé. Và rồi, cuối cùng chúng tôi cũng đã lọt vào trong sân vận động Olympic. Nếu như khi nhìn từ phía ngoài, sân vận động trông như một cái chuồng chim khổng lồ thì khi vào trong chúng tôi phải ồ lên thích thú trước một kiến trúc đẹp đẽ, cực kỳ ấn tượng với mái che hình sao, vòm phía ngoài cùng của mái che được lắp hàng trăm bóng đèn loại hàng nghìn oát, sáng như ánh sáng của mặt trời. Sân vận động được chia thành hai tầng, chỗ khán đài tầng hai phía sau hai đầu cầu môn được đặt hai màn hình lớn nơi sẽ quay trực tiếp những diễn biến trên sân, nền sân được trồng bằng cỏ tự nhiên, xanh thẫm một màu; được phun nước chăm sóc cỏ thường xuyên, thậm chí ngay trước và giữa trận đấu mỗi lần trong khoảng 10 phút. Với những nơi tôi từng đến thì đây là sân vận động đẹp nhất, lộng lẫy nhưng vẫn không làm mất đi vẻ quyến rũ như chính những con người Ukraina vậy. 


Màn biểu diễn chào mừng

Sợ đến muộn phải chen chúc nhau, nên gần 3 tiếng đồng hồ trước trận đấu bóng giữa Pháp và Thụy Điển bắt đầu, chúng tôi đã có mặt trên sân vận động. Lúc này người đến chưa nhiều, chỗ trống trên sân thấy rõ nhưng trước trận đấu khoảng 30 phút hầu như không còn chõ trống nào trên sân.
Màn biểu diễn chào mừng của các hoạt náo viên đã bắt đầu cho cuộc đọ sức mang tính quyết định. Và lúc này, trận chiến mới thực sự đầu.

Vui buồn cùng bóng đá

Hai đội bóng lần này được đánh giá là ngang tài, ngang sức thậm chí Thụy Điển được đánh giá là nhỉnh hơn một chút tuy nhiên may mắn không mỉm cười khi cả hai trận đấu trước họ không dành được điểm nào trước đối thủ Ukraina và Anh, trong khi đó Pháp đã có trong tay 4 điểm. Nhưng một điều tuyệt vời là cổ động viên của Thụy Điển không quay lưng lại với đội nhà, họ đến sân rất đông, chiếm ba phần tư sân là màu áo vàng của các cầu thủ Thụy Điển và họ cổ vũ rất nhiệt tình, đầy máu lửa dù biết mười mươi có thắng nữa dội nhà của họ đã cầm phải chiếc vé về nước. Vậy mà không hề chi, quả là điều tuyệt vời trong bóng đá!

Không còn mục tiêu tại giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO 2012) do đã để thua trong hai trận đấu trước đó và dù đã chính thức chia tay giải đấu danh giá nhất lục địa già nhưng Thụy Điển vẫn thi đấu rất quyết tâm, họ đã có một ngày thi đấu xuất sắc và khiến tuyển Pháp phải chịu trận thua với tỉ số không gỡ 0-2. 
Ngoài cổ động viên của Thụy Điển và Pháp rất nhiều người Ukraina cũng đã tới sân cổ vũ cho hai đội, dù cũng trong thời điểm đó đội chủ nhà Ukraina đang thi đấu ở thành phố Lvov. Vậy là thay vì cổ vũ cho Pháp hay Thụy Điển, thỉnh thoảng lại dấy lên làn sóng của hàng trăm người, hô vang “Ukraina”, “Ukraina”, “Ukraina”…Vậy là thay vì đến Lvov, họ vẫn đang cổ vũ đội Ukraina nhiệt tình, theo cách riêng của họ.


Một nàng cổ động viên xinh đẹp của đội Thụy Điển

Ngồi trong sân vận động giữa 70 nghìn cổ động viên khác mới thấy được điều tuyệt vời của bầu không khí trong bóng đá mà chỉ có thể cảm nhận được bằng trái tim chứ không bằng lời nói.
Áp đảo về số lượng nên âm thanh từ các cổ động viên của Thụy Điển lan truyền như hàng trăm chiếc loa thùng cỡ lớn cộng hưởng lan trong không khí trong sóng dồn. Cảm xúc dâng lên trong lòng đến nghẹt thở từ hồi hộp đến sung sướng hay lo lắng, tiếc nuối cứ dồn dập đến cứ lăn theo vòng quay của trái bóng trên sân.

Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, đội tuyển Pháp đã phải trả giá. Vào phút cuối cùng của trận đấu, từ pha tạt bên cánh phải, Thụy Điển liên tiếp có những cú dứt điểm nhưng chỉ đến khi Larsson tung chân, bóng mới lật nóc lưới Lloris ấn định tỷ số 2-0.
Trận đấu khép lại với tỷ số 2-0 nghiêng về Thụy Điển. Tuyển Pháp vẫn may mắn lọt ào vòng trong nhờ tuyển Anh đánh bại Ukraine nhưng Đoàn quân của huấn luyện viên Blanc sẽ có rất nhiều việc phải làm bởi đối thủ của họ trong tứ kết là Tây Ban Nha.


Một góc Việt Nam!

21h 45 phút trận đấu bắt đầu mà 0h 15 phút, tức 30 phút sau trận đấu chúng tôi vẫn chưa ra được khỏi sân vì các cổ động viên Thụy Điển vẫn còn chưa muốn về. Kiev lại thêm một đêm không ngủ vì màn ăn mừng của các cổ động viên.

Dù bị loại rất đáng tiếc, nhưng một nhóm cổ động viên khoảng trăm người của Ukraina vừa đi vừa  hô vang những tiếng “Ukraina”, “Ukraina”, “Ukraina” rồi vỗ tay theo nhịp…dậy sóng trên khắp các ngả đường. Tiếp sức cho họ là những người yêu đội bóng nước chủ nhà.



Phóng viên và cộng tác viên báo Doanh Nghiệp Odessa

Hơn tiếng đồng hồ sau, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Tuyết Nhung, chúng tôi cũng về đến nơi bắt đầu xuất phát, chiếc xe bus đường dài đang nhẫn nại chờ đón chúng tôi. Sau khi người cuối cùng lên xe, chiếc xe chuyển bánh, lầm lũi chạy trong đêm khuya, râm ran tiếng bình luận của các anh em trên xe, một chốc rồi tất cả cũng chìm vào trong giấc ngủ. Còn tôi, trằn trọc hơn 3 tiếng đồng hồ vẫn không sao ngủ được, có lẽ cảm xúc của một ngày trải nghiệm cùng Euro 2012 quá ấn tượng, quá sâu sắc đong đầy trong tim khiến cảm xúc dâng trào. Miên man suy nghĩ rồi tôi cũng thiếp đi. 
Một ngày mới đã bắt đầu. 

Một số hình ảnh khác:
























Nguồn: Doanhnghiep Odessa

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: