vietinfo di động
Thư mục
Thể thao

Cơ hội nào cho các đội châu Á tại World Cup 2018?

Cập nhật lúc 05-06-2018 18:02:26 (GMT+1)
Sân vận động

World Cup 2018 được tổ chức tại Nga là lần thứ hai châu Á có 5 đại diện, tương tự như World Cup 2006 tại Đức. Các đại diện lần này của châu Á gồm có: Úc, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Arab Saudi.

Theo như tuyên bố của Liên đoàn Bóng đá các quốc gia châu Á được tham dự World Cup lần này, mục tiêu chung của các đại diện châu Á là tiến xa, nhằm chứng minh trình độ chuyên môn, cũng như quên đi sự thất vọng trong kỳ World Cup trước vào năm 2014 tại Brazil, khi không một đội châu Á nào qua được vòng bảng và phải làm khán giả sớm.

Thành tích không ổn định

Nhìn chung, thành tích của các đại diện châu Á tại các kỳ World Cup là không ổn định. Trong kỳ World Cup gần nhất vào năm 2014 tại Brazil, không một đại diện châu Á nào có thể vượt qua vòng bảng và chỉ ghi được tổng cộng 9 bàn thắng cho cả 4 đội, ít hơn cả Hà Lan là đội ghi được 10 bàn thắng trong vòng thi đấu đầu tiên.

Thành tích tệ hại này trái ngược với kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi, khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu khá tốt, vượt qua vòng bảng vào vòng 16 đội, trong đó Hàn Quốc chỉ chịu thúc thủ trước đội vào bán kết Uruguay còn Nhật Bản thua Paraguay sau loạt luân lưu 11m.

Xét tổng thể trong 5 kỳ World Cup gần nhất, có ít nhất 1 đại diện của châu Á đã vượt qua vòng bảng trong 3 kỳ World Cup, trong đó đỉnh điểm là sự thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc tại kỳ World Cup 2002, khi cả hai quốc gia này là đồng chủ nhà. Tại kỳ World Cup này, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đứng nhất vòng bảng, trên cả các cường quốc bóng đá như Bỉ, Nga, Bồ Đào Nha, Ba Lan. Hàn Quốc còn đi đến vòng cuối cùng, đứng thứ tư toàn giải, sau khi vượt qua các đối thủ sừng sỏ như Ý và Tây Ban Nha.

Kể từ thành tích có một không hai này, các đại diện châu Á vẫn chưa lập được thành tích đáng kể nào khác, dù là có chút may mắn như đánh giá của giới chuyên môn nói về Hàn Quốc tại kỳ World Cup 2002.

Đội tuyển Hàn Quốc trong trận giao hữu với Honduras ở Daegu hôm 28/5/2018

Đi tìm nguyên nhân

Nhận định về trình độ chuyên môn của bóng đá châu Á, các chuyên gia của thế giới cho rằng sự phát triển của các nền bóng đá tại châu lục này không có sự tiến triển đồng đều. Điển hình là các nền bóng đá của các quốc gia khu vực Đông Á và khu vực Trung Đông có trình độ vượt trội so với các quốc gia Nam và Đông Nam Á.

Giới chuyên môn cũng cho rằng để các nền bóng đá châu Á có sự tiến bộ, giải vô địch châu Á, hay còn gọi là AFC Cup, phải có sự cải thiện, cũng như các giải vô địch quốc gia cần có sự cải tổ và nâng cao chuyên môn.

Theo đánh giá của ông Howard Hamilton, Giám đốc Điều hành của công ty Soccermetrics Research, chuyên cung cấp dữ liệu để phân tích bóng đá trên thế giới, bất lợi lớn nhất đối với bóng đá châu Á là 'không có hệ thống phát triển đào tạo, cũng như các giải vô địch quốc gia không có tính cạnh tranh cao'.

Ngoại trừ Úc và Nhật Bản, giải vô địch của các quốc gia còn lại ở châu Á, kể cả Hàn Quốc, không được đánh giá cao về chuyên môn, chưa kể đến rất nhiều giải vô địch bị lũng đoạn bởi bê bối dàn xếp và gặp rắc rối về tài chính, theo như nhận định của giới chuyên môn.

Một số quốc gia lớn khác thì không thể phát triển bóng đá do không được ưa chuộng bằng các môn thể thao khác, cụ thể như Ấn Độ chú ý đến cricket hơn hay như Trung Quốc là nơi bóng rổ mới là môn thể thao vua, theo ý kiến của ông David Goldblatt, tác giả cuốn 'The Ball is Round: A Global History of Soccer'.

Yếu tố con người cũng là một điểm hạn chế của bóng đá châu Á, khi không sản sinh ra nhiều nhân tài cho môn thể thao này, cộng với hệ thống phát triển bóng đá trẻ, cũng như cách xã hội xây dựng 'văn hoá bóng đá' chưa đi vào từng gia đình, theo ông Gary O'Toole, cây viết của World Soccer Talk, nhận định.

Cầu thủ Nhật Shinji Kagawa cùng các đồng đội của Borussia Dortmund. Ảnh chụp hôm 5/5/2018

Liệu các đại diện châu Á có tiến xa tại World Cup 2018?

Đánh giá mới nhất của giới chuyên môn, cũng như các tạp chí, các trang chuyên về bóng đá đều nhận định không một đại diện nào của châu Á có thể vượt qua vòng bảng trong kỳ World Cup 2018 tại Nga.

Dựa trên thực lực chuyên môn và đội hình, giới chuyên môn nhận định các đại diện châu Á tại World Cup lần này còn yếu hơn các kỳ World Cup trước đây do các trụ cột đã lớn tuổi hoặc phong độ đã đến hồi đi xuống.

Cụ thể, ngoại trừ Hàn Quốc được đánh giá cao nhất, với 3 trụ cột đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh gồm Son Heung-min của Tottenham, Ki Sung-yeung đang thi đấu cho Swansea và Lee Chung-yong của Crystal Palace, các đội châu Á khác, dù có huấn luyện viên ngoại như Juan Antonio Pizzi của Saudi Arab, Carlos Queiroz của Iran, hay Vahid Halilhodzic của Nhật Bản, đều dựa vào một số ít trụ cột là các cầu thủ nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn, Nhật dựa vào 2 trụ cột Shinji Kagawa của Borussia Dortmund và các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm khác như Okazaki, Yuto Nagamoto và Keisuke Honda, hay thậm chí như Úc, sử dụng huấn luyện viên Hà Lan Bert van Marwijk, vẫn dựa vào trụ cột Tim Cahill là cầu thủ đã 38 tuổi, được cho là khó gây bất ngờ tại giải đấu thế giới lần này.

Đội tuyển Úc trong trận giao hữ Czech - Úc hôm 1/6/2018

Trong trả lời phỏng vấn mới nhất với trang FIFA.Com, huyền thoại của bóng đá Hàn Quốc Park Ji Sung, cũng là cầu thủ châu Á thành công nhất khi từng thi đấu cho 2 câu lạc bộ hàng đầu châu Âu là PSV Eindhoven và Manchester United, cho rằng còn một khoảng cách rất lớn giữa bóng đá châu Á và bóng đá thế giới.

Nhận định về khả năng tiến xa tại World Cup 2018, Park Ji Sung cho rằng các đại diện châu Á, trong đó có Hàn Quốc, khó có khả năng vượt qua vòng bảng và mục tiêu lớn nhất cần đặt ra là vượt qua vòng đấu này, 'chứ không phải nhắm đến bán kết hoặc điều gì khác'.

Dù giải đấu chưa diễn ra và mọi bất ngờ đều có thể đến, khả năng bóng đá châu Á có thể làm nên một kỳ tích như tại World Cup 2002 vẫn là điều khó có thể xảy ra.

Nguồn: BBC

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: