Chàng rể Việt ở đội tuyển U19 Việt Nam
Trong thành công của đội tuyển U19 Việt Nam không thể không nhắc tới HLV Guillaume Graechen – người đã có tới hơn 7 năm gắn bó với các cầu thủ trẻ. Không chỉ tâm huyết với công việc mình đang làm, ít ai biết HLV người Pháp còn rất yêu mảnh đất hình chữ S và ông đã quyết định gắn bó hết cuộc đời với quê hương thứ 2 của mình…
"Bố Giôm”
HLV Guillaume Graechen, tên thân mật là Giôm, đến Việt Nam vào năm 2006. Gắn bó với Học viện HAGL Arsenal JMG của bầu Đức từ năm 2007 đến nay, thầy Giôm xem đây như quê hương của mình.
HLV đến từ nước Pháp, chính là người có công lớn giúp bầu Đức chăm nom lứa tài năng nhí đầu tiên của Học viện HAGL-lứa cầu thủ đang thi đấu rất thành công ở đội tuyển U19 Việt Nam hiện tại.
Trong suốt hơn 7 năm qua, HLV Graechen luôn là người bận rộn nhất ở Học viện HAGL. Mỗi đợt Học viện tuyển quân, vị thuyền trưởng người Pháp lại rong ruổi khắp dải đất hình chữ S cùng các chuyên viên của Arsenal và trợ lý người Việt Nam để tìm kiếm nhân tài. Sau khi tuyển được quân, HLV Guillaume Graechen lại trực tiếp đứng lớp chỉ dạy cho các học viên. Điều đặc biệt, HLV Guillaume Graechen không chỉ dạy các cầu thủ chơi bóng, ông còn chăm lo cho các học trò, đa phần ở đội U19 Việt Nam cả trong việc học văn hóa, miếng ăn giấc ngủ như người bố.
Ông Giôm được bầu Đức đánh giá cao ở khả năng chuyên môn, tình yêu nghề, tấm lòng và tính cách thẳng thắn. Chính vì quá hiểu từng cầu thủ của mình, khi có ý kiến về một bác sĩ tâm lý cho đội, ông cho rằng không cần thiết bởi thầy đã quá hiểu các học trò của mình qua 7 năm gắn bó.
Ấn tượng với chuyên môn và tư cách của thầy Giôm, bầu Đức đã thuyết phục ông và Arsenal đồng ý để HLV Guillaume Graechen gắn bó với học viện thêm 7 năm nữa, tới năm 2021. Đây thực sự là một tin vui với những Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường… Còn với HLV Graechen, sau khi lứa U19 đầu tiên ra trường, ông lại sắm vai một người bố chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đám cầu thủ nhí. "Đâu chỉ lo học đá bóng, giờ đứa nào cũng lớn, tính khí cũng khác lắm. Nhiều đứa còn khoe đã có bạn gái, thổ lộ rất nhiều tâm sự. Với tôi, các học viên của HAGL không khác gì con đẻ của mình”, HLV Guillaume Graechen tâm sự.
Và niềm mơ ước trở thành công dân Việt Nam
Sang Việt Nam, HLV Graechen rất chịu khó học tiếng Việt. Ông thuê gia sư, tự học từ sách và các học trò. Chính vì vốn tiếng Việt rất tốt, nên thầy Giôm đã "cưa” đổ cả đầu bếp tại Học viện HAGL - Nguyễn Thị Loan. Cô gái đến từ đất võ Bình Định không đẹp nghiêng nước, nghiêng thành nhưng cái "duyên ngầm” và sự tốt bụng của cô đã khiến chàng Giôm chết mê chết mệt.
Năm 2009, một đám cưới lãng mạn và ấm cúng đã được tổ chức tại phố Núi – quê vợ của Giôm trước sự chứng kiến của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Chuyện tình của thầy Giôm như một giai thoại ở phố Núi. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với HLV người Pháp là khi tổ chức lễ cưới, Graechen đã chuẩn bị sẵn những câu tiếng Việt để ra mắt 2 họ, nhưng vì hồi hộp quá đã quên sạch.
Sau 3 năm cưới nhau, đầu năm 2012, chị Loan và HLV Guillaume Graechen đã có một cậu ấm đáng yêu. Vị thuyền trưởng người Pháp đặt tên con là Leito Graechen, còn tên tiếng Việt là Phi Long. Hơn 1 năm sau, thầy Giôm đã có "đủ nếp đủ tẻ” khi đón thêm cô con gái xinh đẹp được đặt tên là Melita. Ngoài thời gian dành cho bóng đá, thầy Giôm dành hết sự yêu thương của mình với mái ấm nhỏ, cùng vợ chăm sóc con cái, vui đùa với các con.
"Tôi đang là một người đàn ông hạnh phúc. Công việc tại học viện đang tiến triển rất tốt đẹp, gia đình lại yên ấm, tràn ngập không khí hạnh phúc với những tiếng cười trẻ thơ”, chàng rể Việt chia sẻ.
Sau gần chục năm tại mảnh đất hình chữ S, HLV Guillaume dự tính sẽ nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng để xin phép trở thành công dân Việt Nam. Bộ hồ sơ của HLV Graechen đã hoàn tất và ông hy vọng sẽ sớm trở thành công dân của Việt Nam.
Trong hồ sơ xin nhập tịch, vị HLV trưởng U19 Việt Nam lấy tên là Đoàn Guillaume Dương. Theo giải thích của Guillaume, ông lấy họ Đoàn là theo họ ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Còn Dương là ông lấy theo tên linh dương, con vật mà ông yêu thích.
Trở thành công dân của Việt Nam, thầy Giôm không chỉ có thêm điều kiện để gắn bó lâu dài với công việc của mình, mà còn thực hiện giấc mơ lâu nay của chàng rể người Pháp. Đó chính là niềm tự hào được gọi bằng cái tên Việt: Đoàn Guillaume Dương.
Nguồn: Việt An/ Daidoanket