Bóng đá Việt Nam: 'Hoang tàn' trong cơn khủng hoảng
Sau 12 năm bước lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã trở lại con số 0, thậm chí còn thấp hơn cả lúc xuất phát. Hàng chục câu lạc bộ (CLB) bị giải thể, cùng với đó là sự tháo chạy của ngần ấy ông bầu.
Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam bi đát đến nỗi, cầu thủ vốn được xem là "bậc thượng lưu” trong xã hội vì tiêu tiền như rác, nay rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, có người còn phải chuyển nghề đi bán...bánh cuốn để kiếm sống. Còn trên đội tuyển, ĐTVN và đội tuyển Olympic đã thực sự đánh mất niềm tin với người hâm mộ sau những thất bại ê chề liên tiếp.
V.League còn tự hào là giải bóng đá số 1 khu vực?
Cách đây mấy năm, các nhà quản lý bóng đá nước nhà đã vỗ ngực tự hào với giải đấu của mình không có nước nào trong khu vực sánh bằng. Quả thực, cỡ những ngôi sao hàng đầu thế giới như Denilson (thủ quân đội tuyển Brazil) về thi đấu, cho thấy V.League có sức hút thế nào. Đó là thời điểm mà các ông bầu chạy đua nhau làm bóng đá. Tiền được đổ vô tội vạ, lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm, chỉ để đội bóng có chức vô địch, hay chí ít cũng phải có huy chương. Những vụ chuyển nhượng cầu thủ có giá trên dưới 10 tỷ đồng, lương 50-60 triệu/tháng không phải là chuyện hiếm. Đáng buồn là hầu hết những sự đầu tư của các doanh nghiệp, chỉ vì bệnh thành tích, ăn xổi chứ không hề muốn làm bóng đá bài bản, lâu dài. Chính vì thế, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, bóng đá Việt Nam vỡ tan như bong bóng xà phòng. Nhanh đến mức, tưởng như giải đấu cao nhất của Việt Nam là V.League không thể tổ chức. Rất nhiều hội nghị, rất nhiều cuộc họp chỉ để tìm giải pháp giúp bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng mấu chốt ở chỗ, cả nền bóng đá đã quá phụ thuộc vào các ông bầu. Vì vậy, chỉ cần các ông bầu này "hắt hơi sổ mũi” là các đội bóng lao đao. Thế nhưng, giờ thì bệnh tình nghiêm trọng hơn như vậy nhiều. Có đến gần 10 ông bầu đã phải rút lui khỏi bóng đá sau 2 mùa giải vừa qua, khiến V.League đang không còn là hình hài của một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp.
Hậu quả lớn nhất, chính là hàng trăm cầu thủ bị đẩy ra đường, chưa biết tương lai thế nào. Cỡ những ngôi sao như Công Vinh, Thành Lương giờ cũng đang có nguy cơ thất nghiệp. Những cầu thủ không có số má, coi như hết cơ hội tìm kiếm CLB mới để đầu quân.
Thế mới có chuyện, tiền đạo Quang Hải vừa trở về từ ĐTVN, đã phải bán cả xe máy và những đồ đạc quý giá để lo miếng cơm, manh áo. Có đồ bán như Quang Hải đã tốt, cầu thủ nổi đình nổi đám một thời của đội bóng Nam Định Nguyễn Mạnh Tú đã phải chuyển nghề bán...bánh cuốn để kiếm ăn qua ngày.
Ít ai ngờ những ông bầu nhiều tiền như thế, cũng có ngày phải "bỏ của chạy người”. Cũng ít ai ngờ cầu thủ lương tháng vài chục triệu đồng, giờ phải kiếm từng đồng.
Còn giải đấu V.League, sau năm lần bảy lượt hoãn ngày tổ chức, cuối cùng cũng ấn định được, nhưng lui lại tới 2 tháng và chỉ có 12 đội tham dự. V.League 2013 chưa khởi tranh, nhưng nhiều người đã dự đoán mùa giải năm nay có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào vì các CLB gặp khó khăn tài chính.
Như vậy là sau hơn 12 năm làm chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã trở lại vạch xuất phát, thậm chí còn tệ hơn như thế.
Đội tuyển quốc gia đánh mất niềm tin
Người hâm mộ Việt Nam, đã quay lưng với giải quốc nội. Trong cơn bão bập bùng liên quan đến tài chính, rất nhiều CLB đã, đang và sẽ giải thể. Niềm tin với bóng đá Việt Nam đã xuống rất thấp, nhưng không ít người hâm mộ vẫn đặt kỳ vọng vào điều gì đó với ĐTVN tại AFF Cup vừa qua. Đơn giản bởi, đội tuyển luôn là bộ mặt của mỗi nền bóng đá và chỉ cần ĐTVN "chơi được” về lối chơi và tinh thần thôi, cũng sẽ khiến nhiều người cảm kích, hài lòng, từ đó thông cảm hơn với những khó khăn của bóng đá nước nhà.
Nói như vậy cũng có nghĩa, ĐTVN sẽ trở thành cứu cánh với bóng đá Việt Nam, với VFF, với cả thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Thành công của ĐTVN, sẽ giúp bóng đá Việt Nam tái cấu trúc lại toàn bộ và chắc chắn khi đó, sẽ nhận được sự ủng hộ cao của báo chí, dư luận.
Thế nhưng, sự kỳ vọng đã trở thành nỗi thất vọng vô bờ. Cũng giống như thất bại ê chề tại SEA Games 26 năm ngoái, ĐTVN lần này thậm chí còn buồn hơn khi không vượt qua được vòng đấu bảng. Đáng buồn hơn nữa là ngay từ những trận ra quân, các cầu thủ đều thể hiện một màn trình diễn nhợt nhạt, thiếu lửa, thi đấu cho có, còn Ban huấn luyện thì bế tắc, bất lực, bất đồng.
ĐTVN đã chia tay giải đấu từng lên ngôi vô địch 4 năm trước. Nói đến một đội tuyển thường thì ít ai dám định nghĩa về giá trị bởi đấy là một đội bóng đại diện cho một quốc gia, cho một nền bóng đá và là bộ mặt tiêu biểu. Các cầu thủ cũng mang một sứ mệnh hết sức đặc biệt: "Giải cứu niềm tin” tới AFF Cup. Vậy mà, tất cả chỉ là dấu "âm”, sau khi vỡ ra hàng loạt "ung nhọt” ở AFF Cup. Sau hơn 7 năm từ vết nhơ tại SEA Games 23 (vụ bán độ của nhóm Quốc Vượng, Văn Quyến...), lần đầu tiên VFF đã phải sử dụng đến cụm từ "danh sách đen” để ám chỉ những cầu thủ đã thi đấu thiếu tích cực tại AFF Cup vừa qua.
Bản thân HLV Phan Thanh Hùng dù làm báo cáo rất dài và nói vào những vấn đề then chốt nhưng chắc chắn bản thân ông cũng không thể hiểu nổi tại sao lại thua bạc nhược đến thế. Có quá nhiều vấn đề trong thất bại của ĐTVN, nó cho thấy bóng đá Việt Nam đã lỗi cả một hệ thống và thất bại của ĐTVN là tất yếu.
Bóng đá Việt Nam cần cải tổ từ chính đội ngũ lãnh đạo
Cần cải tổ, nhưng...
Sau những gì diễn ra với bóng đá Việt Nam thời gian qua, từ ĐTQG đến CLB, đáng buồn là những nhà quản lý bóng đá nước nhà, vẫn đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng tất cả đều mang tính giải pháp, chắp vá.
Để đủ số đội đá, lần đầu tiên công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đã đề xuất phương án bổ sung đội tuyển U22 tham dự V.League và mùa giải 2013 không có đội xuống hạng. Đây là giải pháp được "ngụy trang” bằng mục đích giúp đội U22 có thêm cơ hội cọ xát, nhưng kỳ thực BTC giải đưa giải pháp này là để mùa giải không bị vỡ. Rất may, đề xuất có một không hai kia đã bị cấp trên là VFF, Tổng cục TDTT "tuýt còi”, nếu không, V.League sẽ bị biến thành một giải giao hữu.
Tất nhiên, Tổng cục TDTT và VFF cũng chẳng phải lúc nào cũng làm đúng, làm tốt. Bằng chứng là những cơ quan này vừa đồng ý với các phương án tổ chức mang nặng tính thành tích của VPF. Cụ thể, sau mùa giải 2013 V.League sẽ chỉ có 1 đội xuống hạng, nhưng lại có tới 3 đội từ hạng Nhất lên hạng để phấn đấu phải có đủ 14 đội ở mùa giải 2014. "Choáng” hơn, ở mùa giải 2014, sẽ có tới 5 đội hạng Nhì được lên thẳng hạng Nhất, để cho hạng này có ít nhất 12 đội.
Hết mực các quan chức Tổng cục TDTT đến VFF đều khẳng định bóng đá Việt Nam cần chất lượng hơn số lượng, vậy mà cách làm của họ lại đi ngược lại hoàn toàn. Ai cũng thấy chất lượng hạng Nhì của bóng đá Việt Nam tệ như thế nào, vậy mà đến đội đứng thứ 5 vẫn có quyền thăng hạng. Nói đâu xa, những đội vừa chân ướt chân ráo từ hạng Nhì lên hạng Nhất như Lâm Đồng, trẻ Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu...đều đã phải tuyên bố giải thể vì không chịu được nhiệt.
Cách thức tổ chức đã vậy, bản chất của nền bóng đá chuyên nghiệp, cũng không được các nhà quản lý nhìn thẳng một cách nghiêm túc. Bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh khủng hoảng cũng chính bởi một thời gian dài quá phụ thuộc vào các ông bầu. Vậy mà thay vì có cách làm đột phá để bóng đá sống được bằng khán giả, bản quyền, bán vé, quảng cáo tài trợ...VFF bằng cách này hay cách khác, vẫn đang tạo điều kiện để các ông bầu "lách luật”.
Còn trên ĐTQG, sau thất bại thảm hại, là màn đổ lỗi hài hước chưa từng có của VFF cho HLV Phan Thanh Hùng. Cứ như thể thất bại của ĐTVN, đều là do ông Hùng cả. Dư luận chỉ trích nặng nề những quan chức không đủ tâm, đủ tầm nên từ chức để người có năng lực lên thay, nhưng VFF hứa sẽ thay đổi sau...6 tháng nữa tại Đại hội nhiệm kỳ VII.
Không còn con đường nào khác để bóng đá Việt Nam trở lại quỹ đạo phát triển của mình là phải cải tổ, mà phải cải tổ ngay từ các vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, cứ nhìn cái cách mà các quan chức bóng đá nước nhà tiến hành cải tổ như thời gian qua, chẳng biết bao giờ nền bóng đá mới khá lên.
Nguồn: An Chi/ Daidoanket