vietinfo di động
Thư mục
Góc Bạn Đọc

Số xanh số đỏ, số to số nhỏ - số nào quan trọng hơn?

Cập nhật lúc 28-05-2015 22:29:14 (GMT+1)

Nguyễn Văn Sung & Nguyễn Quyết Tiến - Mấy năm trước đây khi từ Đức sang và rồi về Praha sống, tôi rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những ngôi nhà ở đây đều có hai số nhà: một màu đỏ tươi và một màu xanh thẩm. Tưởng như vậy với thời đại Internet này thì chuyện tìm nhà cũng chẳng khó khăn gì cho lắm, vì mỗi người bây giờ thường có một số lượng lớn các địa chỉ, nào là địa chỉ nhà, địa chỉ nơi làm việc, lại còn một hoặc nhiều địa chỉ Email nữa.

Nhưng vừa rồi bà cụ láng giềng người Séc nhà tôi bỗng nhiên bị ngất, con gái gọi cấp cứu mà mãi gần 30 phút sau mới thấy xe cấp cứu đến. Hỏi ra thì mới biết họ đã nhầm số nhà, phải tìm mãi mới đến được. May mà cụ bà bị nhẹ chứ không thì nguy hiểm vô cùng, vì bị nghẽn mạch máu não không cấp cứu kịp thời là có thể toàn thân bất toại ngay liền. Ngoài ra trong trường hợp chữa cháy mà nhầm địa chỉ thì cũng nguy hiểm không kém, sai một ly là đi một dặm ngay.

Lại nữa, cũng vừa rồi có anh bạn thân ở Đức sang chơi, đi theo hướng dẫn của định vị GPS xịn hẳn hoi báo là đã đến nơi rồi, thế nhưng xuống xe lòng vòng tìm mãi đến hơn 15 phút mà vẫn không tìm thấy nhà tôi đâu cả. Phải gọi điện đi điện lại và hẹn gặp ở chỗ trước khách sạn gần đấy mới tìm được nhau. Hôm sau có thời gian chúng tôi đi xem cẩn thận lại các số đỏ thì đúng là phức tạp thật: các số nhà màu đỏ không phải là tuần tự và thậm chí không tăng dần đều hoặc giảm dần trong một con đường như bình thường mà đôi lúc còn rất lộn xộn. Ví dụ: bên cạnh số nhà 1050 lại là nhà số 1057 và tiếp theo sau lại là nhà số 1048 mà lại ở trên con phố khác.

 Nó chẳng khác gì cách đánh số nhà hơi bát nháo ở Hà nội mình. Viết đến đây thì lại nhớ ra một chuyện thật một trăm phần trăm nhưng đúng là cười ra nước mắt: cũng chỉ vì cách đánh số nhà hơi lung tung mà anh bạn tôi lần đầu tiên về Hà nội tìm gặp người đẹp mới quen đã không tìm được nhà, để rồi cô bạn phải chờ cả buổi chiều chủ nhật, cuối cùng cô ta tự ái và thẳng tay cắt đứt luôn quan hệ. Giá mà hồi ấy những năm đầu thập kỷ bảy mươi đã có điện thoại di động thì họ đã thành vợ chồng và hôm nay cũng đã bên nhau đến đầu bạc răng long cả rồi.

Theo dòng lịch sử thì vùng đất Cộng hòa Séc hiện nay đã bị sáp nhập vào Đế chế Áo từ năm 1536 rồi sau đó tiếp tục trở thành một bộ phận của Đế chế Áo - Hung. Đế chế Áo - Hung được thành lập dựa trên sự hợp nhất đế quốc Áo và vương quốc Hung vào năm 1867. Lãnh thổ của đế quốc này bao gồm toàn bộ lưu vực sông Đa nuýp mà bây giờ là lãnh thổ của nhiều quốc gia ngày nay như Áo, Cộng hòa Séc Slovakia, Slovenia, Hung, Croatia và một phần lãnh thổ của Serbia, Rumani, Ba Lan. Trước năm 1914, đế quốc Áo - Hung có diện tích đứng thứ hai châu Âu (sau đế quốc Nga) và dân số đứng thứ 3 châu Âu (sau đế quốc Nga và đế quốc Đức).

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đế quốc Áo - Hung tham gia phe Liên minh. Chiến tranh kết thúc, phe Liên minh bại trận và đế quốc Áo-Hung tan rã vào tháng 11 năm 1918. Sự kiện này cũng đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhà Habsburg ở châu Âu. Những ai đã thăm bảo tàng Schönbrunn ở Viên, Áo sẽ biết rõ hơn lịch sử 600 năm của đế chế Habsburg. Và nó cũng là cơ hội để năm 1918, Séc cùng với Slovakia thành lập nước Tiệp khắc. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, Tiệp Khắc lại diễn ra cuộc "chia li trong hòa bình". Hai quốc gia này lại tách ra và Cộng hòa Séc lại trở thành một quốc gia độc lập.

Trong thời đại Habsburg người ta đánh số nhà không phải để cho người du lịch từ nơi khác đến cũng không phải để phục vụ người dân mà chủ yếu vì mục đích quân sự. Họ lập một hệ thống tuyển mộ lính và nhân tiện đánh luôn số nhà để cho sĩ quan quân đội dễ dàng nắm được số đàn ông ở diện đi lính khi cần tuyển dụng. Sắc lệnh “Cách đánh số nhà theo số miêu tả” (số đỏ) đã được áp dụng cho mục đích quân sự và thu thuế khi Nữ hoàng Maria Theresia ký ngày mồng 8 tháng 3 năm 1770. Thí dụ ở một làng, họ đánh số từ đầu làng đến cuối làng theo chiều kim đồng hồ rồi ngược trở lại.

Cũng có nơi họ bắt đầu đánh số từ những nhà to đẹp của các nhà giầu, các chức sắc trong làng rồi mới đến nhà dân thường, các túp lều nho nhỏ ... Lại có những làng ở ven đường số nhà được đánh thứ tự từ đầu đường bên phải trở đi rồi quay ngược lại phía bên trái. Những con số này chỉ mang ý nghĩa thống kê. Về sau này, theo đạo luật 128/2000 Sb. thì các số này không được dùng hai lần, tức là nếu trước đó nó đã dùng cho một ngôi nhà mà nay đã không tồn tại nữa thì cũng không được dùng cho ngôi nhà mới xây.

Các nhà xây sau, dù là chen vào giữa các nhà xây trước cũng phải mang số mới. Nó giống như số sinh (rodné číslo) của mỗi người. Các số „thống kê“ này được ghi trong các sở trước bạ của mỗi khu vực. Nó cũng không nhất thiết phải là mầu đỏ như ở Praha mà có thể là mầu vàng ở một địa phương khác. Ngày nay, khi xin giấy phép xây dựng, sở quản lý nhà đất sẽ ấn định cho ngôi nhà định xây được mang số bao nhiêu.

Để khắc phục hệ thống đánh số nhà cũ phức tạp này, đến ngày 25 tháng ba năm 1857 nhà vua đã chính thức ra lệnh đánh bổ sung thêm một số nữa theo “số định hướng”, chính là số màu xanh. Hệ thống định hướng hay còn gọi là nguyên lý Zick Zack đầu tiên đã được ứng dụng ở Paris từ năm 1805. Orientační čísla - số định hướng được đánh từ đầu phố đến cuối phố, từ trung tâm thành phố hướng ra ngoài, những nhà ở bên phải mang số chẵn, bên trái mang số lẻ.

Tuy nhiên thời kì đầu nó cũng rắc rối. Đánh số xong rồi lại có mấy nhà nữa mọc chen vào giữa, thêm cả A,B,C,D... sau con số vẫn thiếu. Có những nơi đã phải đánh số lại nhiều lần mới được như ngày nay. Ở Praha và nhiều thành phố khác số „chẵn, lẻ“ này được ghi trên một biển riêng bằng mầu xanh. Nhưng cũng có nơi được viết chung trong một biển, thí dụ: 1780/8, 1759/10... Nếu bạn về các làng quê, bạn còn có thể bắt gặp các biển số nhà như „alt 325, (gạch ngang, bên dưới là) neu 18“(vẫn còn tiếng Đức!) tức là số cũ: 325, số mới 18.

Cách đánh số theo cả hai hệ thống này đến nay đã trên 200 năm vẫn được các nhà chức trách sử dụng. Mỗi nhà ở Praha có hai số: ví dụ nhà có địa chỉ Váslavské námestí 1601/47 thì ta phải hiểu số 1601 là số 

nhà số đỏ tươi theo hệ thống cũ (cách đánh số nhà theo số miêu tả) và số 47 là số xanh thẩm, số định hướng mới (xem ảnh dưới). Đây là Quảng trường “Con Ngựa”, nó dài như một con đường nên được đánh số như một con đường, theo thói quen gọi của người Việt mình, đó là Quảng trường Váslav số 47, cũng chính là nhà số 1601 ở Nové Město, ở trung tâm Praha ( Praha1).

Ngày nay, thông thường thì trong các địa chỉ chính thức chúng ta vẫn phải viết cả hai con số: popisné číslo/ orientační číslo, số miêu tả và số định hướng. Con số phía trên thường là to (ở Praha viết trên biển đỏ), ở dưới là con số nhỏ, tức là số „thứ tự chẵn, lẻ“ (ở nhiều khu vực 

Praha được viết riêng trên biển xanh) vì lý do lịch sử nêu trên. Nhưng số nhà theo số định hướng ( số xanh ) là quan trọng nhất. Vừa rồi phải đi ra Sân bay bằng Ta xi, gọi cho ông tài xế nói địa chỉ và số nhà mình bằng cả 2 số nhưng ông ta bảo: “ ông chỉ cần cho tôi số nhà số xanh là đủ! ” và ông ta đã đón tôi rất chính xác về giờ và địa điểm. Chắc chắn là mấy ông Ta xi cũng chỉ định hướng theo số xanh mà thôi.

Nếu như ông lái xe cấp cứu nọ và anh bạn tôi từ Đức chịu khó cẩn thận vào Google Maps hoặc Mapy.cz để tìm địa chỉ cần đến trước thì họ đã không tốn một tý thời gian nào để tìm kiếm nữa.

Nguyễn Văn SungNguyễn Quyết Tiến
Hai tác giả gửi đăng Vietinfo.eu