vietinfo di động
Thư mục
Góc Bạn Đọc

Em ơi Ba Lan...(phần 10): Quần bò Thái tràn ngập nước Nga

Cập nhật lúc 06-07-2011 08:10:00 (GMT+1)
Ga trung tâm Warsaw. Nguồn Internet

Do nhiều nguyên nhân địa lý và lịch sử, trước năm 1994 đội ngũ soái Việt Nam tại Ba Lan đông hơn và giàu hơn tại Nga. Mười năm 1985 – 1994 là giai đoạn tích lũy nguyên thủy của các soái Việt Nam tại Nga mà đa phần dựa trên những mối quan hệ làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở Ba Lan.

Quần bò Thái tràn ngập nước Nga 

Từ khi Liên Xô tan rã, với dân số 142 triệu và diện tích 17 triệu km2, Nga vẫn là nước lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Về mặt chính trị, nước Nga là cường quốc thế giới. Về mặt thị trường, nước Nga là mảnh đất béo bở nuôi dưỡng nhiều nhà tỷ phú đô la có thương hiệu toàn cầu. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga và ngay cả tại Ba Lan cũng được thừa hưởng chút hương hoa ấy của một đất nước nghèo khổ nhưng vĩ đại trong giai đoạn chuyển đổi thể chế và chuyển đổi nền kinh tế.

Người xưa dạy „đục nước béo cò” không bao giờ sai. Những ai, không phân biệt tây hay ta, biết tận dụng triệt để cơ hội vàng trong kỷ nguyên vàng của thập kỷ 90 đều có thể ghi danh trong bảng xếp hạng những doanh nhân thành đạt nhất. Theo số liệu thống kê của tạp chí Fobest, hiện nay số lượng tỷ phú Nga đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trong top 100 doanh nhân giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều người thành danh từ chính cái nôi nước Nga trong „thuở hồng hoang” tranh tối, tranh sáng hậu Liên Xô.

Do nhiều nguyên nhân địa lý và lịch sử, trước năm 1994 đội ngũ soái Việt Nam tại Ba Lan đông hơn và giàu hơn tại Nga. Mười năm 1985 – 1994 là giai đoạn tích lũy nguyên thủy của các soái Việt Nam tại Nga mà đa phần dựa trên những mối quan hệ làm ăn với các đồng nghiệp Việt Nam ở Ba Lan. Nhưng nước nhỏ dẫu đi trước vẫn ít cơ hội hơn nước lớn tuy chậm chân. Sau năm 1994, các doanh nhân Việt Nam tại Nga mới thực sự bùng nổ và cất cánh rời khỏi bệ phóng, bỏ xa các đồng sự tại Ba Lan ở lại phía sau .

Ngày 25/12/1991 Liên Xô tuyên bố giải thể. Ngay trong năm 1992 hàng hóa nhập khẩu đã ồ ạt xâm nhập thị trường Nga, trong đó có hàng may mặc rẻ tiền made in Châu Á. Ba ngày đầu năm 1992, trong khi lê la giao áo gió tại Mátxcơva, Nguyên phát hiện đồ jeans Thái Lan đang được tiêu thụ như nước lũ cuốn trên thị trường Nga. Nguyên không lạ gì cái quần bò Thái mác Marvin. Ở Ba Lan giá một chiếc có 3,5 USD. Vậy mà cứ xe nào sang đến Mátxcơva, hết ngay xe đó. Thị trường Nga lúc đó khan hàng, y như sa mạc khát nước.

Mỗi xe tir tương đương một container 40 feet. Xếp chặt tay, được ba trăm kiện, mỗi kiện một trăm cái quần bò, tổng cộng cả xe khoảng ba mươi nghìn chiếc. Giá trị một xe tir quần bò Thái khoảng một trăm nghìn USD. Thời kỳ này quần bò người lớn là mặt hàng chủ đạo. Nhưng có nhiều xe đóng mix cả quần bò người lớn, quần bò trẻ con lẫn với các loại hàng khác như áo ren, áo chấm, váy bò Thái Lan, T-shirt trẻ con Trung Quốc, đồng hồ điện tử hiện số, nhạc chuông Hồng Kông... về sau có thêm hàng dệt kim Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng các loại từ mọi ngả đổ về các kho ngoại quan Ba Lan, sau đó được các doanh nghiệp Việt Nam tái xuất sang thị trường Nga.

Thời gian đầu, người Việt Nam bên Nga hầu như không bỏ tiền vào đường dây đánh hàng. Họ làm đại lý bán hàng cho phía Ba Lan. Phương thức ăn chia: 2/3 lãi cho chủ đường dây phía Ba Lan và 1/3 cho người bán hàng phía Nga. Về sau, một số người Việt Nam bên Nga bỏ tiền tự làm. Họ thuê người quen phía Ba Lan làm dịch vụ mua hàng, đóng xe, vận chuyển sang Nga.

Sau khi khảo sát thực tế thị trường, Nguyên quyết định làm cuộc dấn thân tham gia chiến dịch tái xuất hàng sang Nga. Công việc đầu tiên Nguyên phải làm là chọn người đại diện bán hàng ở Nga. Trong số bạn bè bên đó, Nguyên nhắm ngay Q.B bạn cùng học thi nghiên cứu sinh với nó thời còn ở Việt Nam. Q.B vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kinh tế, đang muốn về nước công tác. Một trận rượu lơ mơ xen lẫn lời đường mật của Nguyên khiến ngài tiến sỹ lung lay. Sau một đêm trăn trở suy tính, Q.B. đã nhận lời. Thực tế đã cho thấy Q.B là người có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để điều hành công việc bán hàng cho Nguyên tại Nga trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch quần bò. Hiện nay Q.B đang đảm nhiệm chức Vụ trưởng một Vụ chuyên hoạch định các chính sách chiến lược của chính phủ Việt Nam.

Đầu xuôi đuôi lọt, Nguyên nghĩ thế. Ngay khi trở về Ba Lan, Nguyên dốc sức đánh một chuyến hàng chiến lược nhằm lên dây cót tinh thần cho các cộng sự trong cả đường dây. Thời trai trẻ, Nguyên rất liều lĩnh, tự tin và lạc quan. Nó triệt để tận dụng mọi cơ hội để „chỉ tiến không lui”. Nhiều lần đối diện với nguy cơ bại sản, nhưng Nguyên vẫn chấp nhận làm lại từ đầu với suy nghĩ ấu trĩ „còn người, còn của”. Rất lạ, trong đời, Nguyên ghét nhất thói cờ bạc, nhưng trong làm ăn, liều kiểu nó khác gì đánh bạc. Cái máu quyết liệt kiếm tiền, không sợ trắng tay có lẽ Nguyên được thừa hưởng từ má. Má Nguyên trước năm 1945 vốn là cô hàng tấm, buôn vải và thuốc tây tuyến Sài Gòn – Phan Thiết.

Vận dụng kinh nghiệm tìm kiếm nguồn hàng từ thời buôn máy tính, Nguyên mua báo, dò tìm mục quảng cáo rao vặt. Số phận lúc đó như gắn kết Nguyên với nghiệp „quần bò” trên đất Nga, vì thế tin rao bán một container váy bò Thái đập ngay trước mắt Nguyên ngay trên tờ báo đầu tiên. Thời điểm bấy giờ mặt hàng này đang là của hiếm tại thị trường Nga. Hăm hở lao ngay đến địa chỉ ghi trên báo, Nguyên sững người lại khi thấy một khách hàng Ba Lan đã đến trước nó. Ngồi nhâm nhi li cafe đắng ngắt trong lúc chờ đợi mà nhịp tim của Nguyên lên xuống theo độ thăng trầm của âm thanh cười, nói vọng ra từ phòng bên cạnh. Sau khi tiễn khách ra khỏi cửa, chủ hàng quay lại hồ hởi với Nguyên: „ông nghe cả rồi chứ?”. Nguyên vẫn cố vớt vát: „nhưng còn cơ hội nào cho tôi không?”. Đối tác láu lỉnh: „dĩ nhiên có, nếu ông đưa ra điều kiện tốt hơn, tôi không muốn nhập số hàng này vào Ba Lan”. Nguyên phấn chấn, giá cả với nó lúc đó không còn quan trọng nữa. Sau này Nguyên mới tỉnh ra: „Mẹ kiếp, thằng đến trước chết tiệt kia chính là chân gỗ”. Cũng chẳng sao, mất thêm ít tiền nhưng container váy bò của Nguyên sang đến Mátxcơva đã tạo nên cơn địa chấn trước cửa Dom 5. Khách mua tranh cướp nhau khuân hết hàng ngay tại xe.

Làm ăn với thị trường Nga không đơn giản, yêu cầu hội đủ các điều kiện cần thiết. Trước hết phải dày vốn, sau đó phải có mối quan hệ sâu rộng bên Nga và vấn đề khó khăn nhất, là tiếp cận được kênh chuyển tiền, vàng từ Nga sang Ba Lan. Vì thế tham gia vào chiến dich tái xuất hàng từ Ba Lan sang Mátxcơva lúc đó đa phần là các du học sinh Việt Nam đã từng cọ xát và trưởng thành trong thời kỳ kinh doanh đồng hồ điện tử, vàng và máy tính những năm 1989-1990. Họ không lạ lẫm với thị trường Nga, họ có các điều kiện cần và đủ thích hợp cho chiến dịch làm ăn với quy mô rất lớn này.

Cung cấp hàng Thái Lan chủ yếu cho người Việt Nam là các công ty Ba Lan như: Vospol, Vipol, Lop, Ocean, Omega, Humar, BuySell...những cái tên rất quen thuộc với người Việt Nam thời bấy giờ. Ông chủ những công ty đó là các doanh nhân Ba Lan xuất thân trí thức có tuổi đời rất trẻ. Họ trưởng thành theo từng bước đánh hàng cùng với nền kinh tế thị trường Ba Lan, từ nhỏ đến lớn, từ đường hàng không đến đường tàu biển, từ vài kiện cargo đến hàng chục container. Giữa họ có mối quan hệ vừa liên kết, hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Dù là bạn bè nhưng họ cũng sử dụng đủ các mánh, các chiêu để móc mồm, móc họng, triệt hạ lẫn nhau.

Công việc tìm kiếm nguồn hàng tại Ba Lan không dễ dàng chút nào. Hiệu quả mỗi chuyến xe phụ thuộc vào hàng tốt, hàng hiếm, giá mềm với cơ cấu hợp lý. Điều này khiến cho các nhà buôn trí thức Việt Nam thường ngày vốn là bạn học của nhau sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn để tâng giá giành giật nguồn hàng, tranh nhau bốc hàng trước sau...Nguyên từng tận mắt chứng kiến vài vụ cãi lộn, chửi bới, thậm chí động thủ tay chân giữa các bạn bè của nó. Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, vẫn mang đặc trưng chung của con người. Bên cạnh những nét đẹp nhân tính mong manh „lá lành đùm lá rách”, vẫn tồn tại một thực tế phũ phàng là „người trong một nước” chưa „thương nhau cùng” trong cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo.

Dom 5 (cũ) và nhà Thương vụ Việt Nam tại Mátxcơva, những địa điểm giao dịch quen thuộc thời đánh hàng tiểu ngạch, lúc này không còn đáp ứng được phương thức đánh hàng mới với qui mô hàng chục xe tir một ngày. Nhiều người Việt Nam tận dụng cơ hội, tìm kiếm mối quan hệ để thuê thêm một số tòa nhà làm nơi chứa hàng và giao dịch. Lượng hàng lưu chuyển trong suốt thời kỳ này chủ yếu diễn ra tại Dom 5 (mới) và Dom 11. Về sau, anh H chủ công ty Bến Thành san xẻ thị phần bằng cách mở thêm một số Ob. Anh H rất nổi tiếng ở Nga và cả ở Việt Nam những năm cuối thập niên 90 với chuỗi Trung tâm Thương mại mang tên „Ob. Xa-liut” 1,2,3. Anh H học cùng khoa trước Nguyên một khóa tại trường đại học kinh tế, nhưng làm nghiên cứu sinh lại sau Nguyên một năm.

Dom 5 (mới) và Dom 11 khá gần nhau. Hai tòa nhà to cao vật vã với hàng nghìn phòng lúc nào cũng chất ngất đầy ắp các loại hàng hóa. Mỗi ngày hàng chục xe tir từ Ba Lan sang, nối đuôi nhau vào đây dỡ hàng. Rồi lại nườm nượp hàng trăm xe tải ghé đít đóng hàng chuyển đi trên mọi nẻo đường nước Nga, tới tận cả vùng Siberi, Viễn Đông xa xôi và tới hầu hết các nước cộng hòa Liên Xô. Hàng hóa đủ loại, nhưng nhiều nhất vẫn là quần bò Marvin Thái Lan. Để khắc ghi dấu ấn một thời làm ăn, những người tham gia đánh hàng gọi đó là „chiến dịch quần bò Thái”.

Doanh thu hàng hóa trao đổi mỗi ngày hàng triệu USD. Cả đô la, cả vàng, cả huân chương cao quí Lê Nin được huy động tối đa để chuyển cho các chủ hàng phía Ba Lan. Lúc đó ngoài buôn bán hàng hóa, người Việt Nam tại Nga triển khai thêm mảng thu đổi đô la và vàng trên khắp địa bàn Liên Xô rộng lớn. Đây là công việc mang lại hiệu quả rất cao nhưng luôn phải đối đầu với nguy hiểm rình rập.

Công đoạn cuối cùng khó khăn nhất cũng chứa đựng nhiều rủi ro nhất chính là khâu chuyển tiền, vàng từ Nga sang Ba Lan. Thời gian đầu tồn tại hai kênh ngầm chuyển ngân. Một kênh do người Việt Nam, một kênh do Tây điều hành. Đường dây của soái D.V.C là kênh Việt Nam lớn nhất lúc bấy giờ. Hộ chiếu đỏ Việt Nam hầu như không được sử dụng trong giai đoạn này vì đã bị đổ bể trong chiến dịch máy tính-vàng cuối năm 1989. Thay vào đó là hộ chiếu đỏ mang nhiều quốc tịch khác nhau.

Dẫu biết rằng chuyển tiền, vàng ra khỏi biên giới các nước thuộc Liên Xô là công việc hết sức nguy hiểm, nhưng lợi nhuận cao khiến người ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Người Việt đã làm là ham, là ít khi tính đến cửa lùi. Nhiều khi họ liều lĩnh tung hết tiềm lực vào một canh bạc. Nhưng trò đời không bao giờ có sự suôn sẻ tuyệt đối. Trăm lần thoát thế nào cũng có lần mắc, mà đã mắc dù chỉ một lần coi như xong. Giữa năm 1992 soái D.V.C cùng người cộng sự tên H bị hải quan Belarusia bắt tại cửa khẩu Brest trên chuyến tàu hỏa Mátxcơva - Warszawa với tang vật trị giá hơn nửa triệu USD.

Soái D.V.C cùng với anh H bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Điều kiện nhà tù thời Xô Viết vô cùng khắc nghiệt. Hiếm có ai không nản lòng khi lỡ bước sa chân vào chốn đó. Nhưng thật diệu kỳ, một câu chuyện tình yêu chân thật của người trong cuộc đã cứu giúp hai bị cáo thoát vòng lao lý. Chị T tốt nghiệp đại học tại Nga, sang Ba Lan theo bố khi đó đang làm bằng tiến sỹ cấp hai. Tại đây chị T quen anh H, giữa hai người nảy nở tình yêu. Thừa hưởng gen từ bố, chị T có những phẩm chất vượt trội về trí tuệ, bản lĩnh và ý chí. Không cam phận nữ nhi, chị T quyết tìm cách cứu người yêu. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ đường đi nước bước, chị T dốc hết số tiền còm cõi dành dụm được, thân gái dặm trường lặn lội sang Belarusia. Tình yêu cùng nghị lực của chị T thấu hết chín tầng mây, lay động lòng Trời. Quá xúc động trước tình cảm mãnh liệt của hai người đang yêu, Trời đã ra tay cứu giúp. Anh H và dĩ nhiên cả soái D.V.C được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chung tay xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng, mười năm sau chị T và anh H rất thành đạt tại Ba Lan. Có thể nói không ngoa rằng, chị T là nữ soái duy nhất ở Ba Lan không núp sau bóng chồng. Chị đã tự thân dựng nên sự nghiệp bằng chính trí tuệ và sức lực của mình. Hiện nay cặp vợ chồng này sống rất hạnh phúc, họ không những sở hữu một đại công ty xuất nhập khẩu tại Ba Lan mà họ còn là cổ đông lớn của một tập đoàn tài chính tại Việt Nam.

Sau khi kênh vận chuyển tiền, vàng của „du kích đường sắt ta” bị đổ bể, kênh tây được phát huy tối đa. Tuy nhiên rủi ro không vì thế mà giảm bớt. Hai tháng sau vụ soái D.V.C bị bắt, Bobbi một giao liên người Ba Lan đột ngột tuyên bố toàn bộ số tiền, vàng trị giá gần 1 triệu USD của chín người Việt Nam mà hắn ta cầm về từ Nga đã bị cướp tấn công, lấy sạch ngay trước cửa nhà. Không một ai tin điều đó, nhưng biết làm gì được nếu muốn tiếp tục làm ăn tại đây. Nguyên chịu tổn thất nặng nề trong vụ này. Nhưng nhờ sự tin cậy của chủ công ty Ba Lan cho ứng trước hàng, trả chậm, một thời gian ngắn sau đó, Nguyên đã hồi phục hoàn toàn. Sau vụ Bobbi, người Việt Nam còn bị tổn thất trong nhiều vụ tiền vàng khác nữa. Nghiêm trọng nhất là vụ thu giữ hơn 80 kg vàng giấu trong một xe tir đã dỡ hàng chạy từ Nga về Ba Lan xảy ra vào đầu năm 1993.

Hàng nghìn xe tir và container quần bò Thái Lan tràn ngập nước Nga suốt từ cuối năm 1991 đến giữa năm 1994. Vòng quay tiền-hàng nhịp nhàng chuyển động, tích lũy lợi nhuận rất lớn cho người Việt Nam tham gia đánh hàng. Với đà tăng trưởng đều đặn không ngừng, ngay giữa thập niên 90, số doanh nhân triệu phú đô la người Việt tại Ba Lan và Nga có lẽ lên đến hàng trăm người. Nhưng ở đời khó ai có thể dự báo trước được thời vận. Đúng ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng chục xe chở đầy lính đặc nhiệm OMON đã đổ bộ, phong tỏa hai tòa nhà Dom 5 (mới) và Dom 11. Số hàng hóa trị giá ước tính khoảng năm mươi triệu USD bị thu giữ không có biên lai, vì vậy chẳng thể hy vọng có ngày lấy lại.

Biến cố bất ngờ xảy ra trong ngày định mệnh 19/05/1994 tại Mátxcơva đánh sập hy vọng của nhiều người Việt Nam muốn được ghi tên trong danh sách triệu phú đô la đầu tiên thời hậu Xô Viết. Sự kiện động trời này đánh dấu chấm hết cho một thời kỳ làm ăn oanh liệt nhưng đầy đau thương, làm tiêu tan cơ nghiệp của bao nhiêu con người. Sau hai năm rưỡi nhọc nhằn kiếm sống, đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, rất nhiều người Việt Nam trong đó có Nguyên một lần nữa lại bị đẩy đến tình trạng gần như trắng tay. Lặng lẽ lui về ẩn dật, Nguyên co mình lánh xa thương trường suốt hai năm trời sau đó.

Trần Quốc Quân

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: