Một thành phố Đức làm thay đổi cách chúng ta đọc

Mặc dù những ảnh hưởng sâu rộng của máy in của Johannes Gutenberg, nhiều điều về con người này vẫn là bí ẩn và được chôn sâu dưới nhiều lớp của lịch sử thành phố Mainz.
Thành phố Mainz của Đức nằm trên bờ Sông Rhine. Nó nổi tiếng nhất vì rượu vang, vì tòa thánh, và vì là nơi sống của Johannes Gutenberg, người đã đưa máy in đến với Châu Âu. Mặc dù những điều nói trên thoạt đầu có vẻ không có liên quan, nhưng ở đây chúng chờm lên nhau, hòa nhập và ảnh hưởng lẫn nhau.
Ba yếu tố này hội tụ lại vào những ngày họp chợ, khi mà những người sản xuất và người làm rượu vang ở địa phương bán hàng tại quảng trường chính bao quanh tòa thánh St Martin đồ sộ. Đối diện theo đường chéo là bảo tàng Gutenberg, là tên của người cư dân nổi tiếng nhất thành phố này, sinh tại Mainz khoảng năm 1399 và mất ở đây, cách đây 550 năm, năm 1468.
Chính Gutenberg là người đã phát minh ra loại máy in đầu tiên ở Châu Âu kiểu chữ kim loại thay đổi được, mà nó khởi đầu cho cách mạng in ấn và đánh dấu bước ngoặt từ thời Trung cổ sang thời hiện đại của thế giới phương Tây. Mặc dù người Trung Quốc đã sử dụng in ấn bằng tấm gỗ khắc trước đó nhiều thế kỷ, với cả một cuốn sách được in hoàn chỉnh vào năm 868, được tìm thấy trong một hang động ở phía tây bắc Trung Quốc, nhưng in ấn chữ kim loại thay đổi không bao giờ được sử dụng ở phương Đông do tầm quan trọng của thư pháp, sự phức tạp của tiếng Trung Quốc viết tay và số lượng chữ là rất lớn. Tuy nhiên, máy in của Gutenberg lại rất phù hợp với hệ thống chữ viết của Châu Âu, và sự phát triển của nó bị ảnh hưởng nặng nề bởi khu vực mà nó sinh ra.
Máy in của Gutenberg giúp Giáo Hội dễ dàng tái tạo các sách và bản viết tôn giáo.
Ở thời Trung Cổ, Mainz là một trong những thành phố thánh đường quan trọng nhất của đế quốc mộ đạo La Mã, trong đó Giáo Hội và tổng giám mục của Mainz là trung tâm của ảnh hưởng và quyền lực chính trị. Gutenberg, một người quý tộc học vấn cao và nhà kinh doanh, nhận thấy nhu cầu của Giáo Hội cần nâng cao phương pháp sao chép bản thảo, được các thày tu chép tay. Đây là một quá trình cực kỳ khó nhọc và chậm chạp; nó không đáp ứng kịp nhu cầu về sách ngày càng tăng thời đó. Trong cuốn sách "Cách mạng truyền thông tin: Lịch sử truyền thông từ Gutenberg đến kỷ nguyên kỹ thuật số" tiến sĩ Bill Kovarik, giáo sư truyền thông tại Đại học Radford ở tiểu bang Virginia, đã mô tả năng suất này theo 'công thày tu', tức một thày tu làm trong một ngày, được khoảng một trang; máy in của Gutenberg đã tăng năng suất 'công thày tu' lên 200 lần.
Ở bảo tàng Gutenberg, tôi đã xem một cuộc trình diễn in một trang giấy bằng một máy in giống như ngày xưa. Đầu tiên, một hợp kim được làm nóng rồi đổ vào một khuôn đúc chữ. Khi hợp kim nguội đi, các chữ cái nhỏ bằng kim loại này được sắp xếp thành từ và câu trong một khuôn in rồi được bôi mực. Cuối cùng, giấy được đặt lên khuôn in và một tấm bản nặng được ép lên nó, giống như việc ép nho làm rượu vang. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên: Máy in của Gutenberg được cho là một sự cải biến của máy ép nho. Kể từ khi người La Mã phổ biến cách làm rượu vang thì khu vực xung quanh Mainz là một trong những khu vực sản xuất rượu vang chính của Đức, với các giống nho nổi tiếng như riesling, dornfelder và silvaner.
Trang sách mà nó luôn được in tại bảo tàng Gutenberg là phỏng theo kiểu cách và phông chữ Gothic, 42 dòng một trang, của cuốn kinh thánh Gutenberg, là cuốn sách chính đầu tiên trong thế giới phương Tây được in bằng cách sử dụng cách thay đổi vị trí chữ cái. Đây là trang đầu tiên của Sách Phúc Âm của thánh John, mà nó mở đầu bằng câu: "Ban đầu là từ ngữ…"
Việc viết chữ thường được cho là cuộc cách mạng truyền thông đầu tiên, còn việc in chữ của Gutenberg đã kéo theo nó cuộc cách mạng truyền thông quy mô lớn. Sau khoảng 15 năm phát triển, với sự đầu tư vốn cực kỳ lớn, Gutenberg đã in được quyển Kinh Thánh đầu tiên của mình vào năm 1455.
Trong số 150 đến 180 cuốn Kinh Thánh Gutenberg được in lần đầu, ngày nay trên thế giới chỉ còn lại 48 cuốn.
"Kinh Thánh của Gutenberg là một công việc phi thường của thủ công nghệ," tiến sĩ Kovarik, người cho rằng chúng ta có thể thấy được động lực tôn giáo mạnh mẽ của Gutenberg trong thực hiện hoàn hỏa việc này, nói. "Ở thời đó thì việc này không có gì là lạ, ví dụ, một thợ tạc tượng sẽ cố gắng để đạt được một tác phẩm điêu khắc hoàn hảo ở một góc xa của một trong những nhà thờ lớn, không phải vì phục vụ những người sẽ đây thờ phụng, mà là một biểu hiện của đức tin cá nhân."
Trong số 150 đến 180 bản in gốc của cuốn Kinh Thánh, thì trên thế giới nay chỉ còn lại 48 cuốn. Bảo tàng Gutenberg có hai cuốn để trưng bày. Hai cuốn này khác nhau chút ít, bởi vì sau khi in xong, các trang sẽ được đưa đi để trang trí đề mục và chữ cái đầu chương theo sở thích của khách hàng. Kinh thánh của Gutenberg bán rất chạy.
Lúc đầu, Giáo Hội hoan nghênh sự xuất hiện của các kinh thánh in và các văn bản tôn giáo khác. Việc in ấn cho phép Giáo Hội truyền bá thông điệp Kitô giáo và quyên được tiền dưới hình thức 'xá tội', tức các bản in tha lỗi cho người mắc lỗi. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc mà sức mạnh phá vỡ của lời lẽ in ấn trở nên rõ ràng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ in, (vào thập niên 1470, mỗi thành phố Châu Âu đều có các công ty in ấn, và vào những năm 1500, ước tính đã có bốn triệu cuốn sách được in và bán), xuất hiện sự lan truyền những ý tưởng mới và thường là trái ngược, chẳng hạn như '95 luận điểm của Martin Luther', trong đó ông chỉ trích việc Giáo Hội bán các bản xá tội. Luther được cho là đã đinh văn bản này của ông lên cánh cửa nhà thờ Wittenberg vào ngày 31/10/1517. Chỉ trong vòng vài năm, 300.000 bản sao của nó đã được in và lưu hành, dẫn đến sự cải cách và chia rẽ vĩnh viễn trong Giáo Hội.
Nhưng bất chấp những hậu quả sâu xa của việc in ấn Gutenburg, nhiều điều về con người này vẫn là bí ẩn, được chôn sâu dưới nhiều lớp của lịch sử thành phố Mainz. Một tấm bảng đánh dấu nơi ông sinh ra ở góc của Christofsstraße, nhưng ngôi nhà nguyên thủy đã biến mất từ lâu rồi. Ngày nay, ở đấy là một tòa nhà hiện đại, do một hiệu thuốc sử dụng.
Một tấm bảng khác bên ngoài nhà thờ St Christoph gần đó, đánh dấu nơi ông có thể đã được làm lễ rửa tội ở đó. Nhà thờ này đã bị bom trong Thế chiến II và vẫn ở dạng đổ nát để làm đài tưởng niệm chiến tranh, mặc dù chậu nước thánh rửa tội từ thời Gutenberg vẫn còn nguyên vẹn.
Nghĩa trang nơi Gutenberg được chôn cất đã được lát gạch lên trên, và mặc dù có nhiều bức tượng của ông ở khắp nơi trong thành phố, ta vẫn không biết ông trông như thế nào. Tượng ông là có râu, nhưng chắc rằng ông không để râu. Gutenberg là một nhà quý phái, theo hướng dẫn viên Johanna Hein của tôi, thì chỉ những người hành hương và Do Thái là để râu. Trên thực tế, người mà chúng ta đều gọi là Johannes Gutenberg thì khi sinh ra tên là Johannes Gensfleisch (dịch là 'thịt ngỗng'). Nếu không có xu thế của thế kỷ 14 là tự đặt lại tên mình theo tên nhà, thì ngày nay có lẽ chúng ta đã gọi phát minh của ông là máy in Gensfleisch.
Mặc dù dấu vết của ông gần như không còn ở thành phố này, nhưng ảnh hưởng của ông vẫn có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi: một áp phích quảng cáo mỹ phẩm; một người phụ nữ đọc báo trong quán cà phê; một thực đơn trên bàn nhà hàng. Hơn nữa, cuộc cách mạng truyền thông hiện tại, có được nhờ internet, công nghệ kỹ thuật số và truyền thông xã hội, cũng là một sự tiếp nối của những gì bắt đầu từ Gutenberg.
"Mỗi khi chi phí truyền thông giảm nhanh, thì lại có nhiều người được nói hơn, và tiếng nói sẽ đa dạng hơn," tiến sĩ Kovarik nói và giải thích rằng điều này có tác động đến sự phân bố quyền lực trong xã hội và nảy sinh sự thay đổi xã hội.
Tuy nhiên, trái ngược lại, cuộc cách mạng kỹ thuật số của chúng ta cũng có thể được xem như một sự trở lại thời kỳ trước khi có in ấn, theo một giả thuyết gọi là 'Gutenberg Parenthesis' của tiến sĩ Thomas Pettitt, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Nam Đan Mạch, ông lập luận rằng có sự giống nhau giữa thời đại tiền/trước in ấn và thời đại internet của chính chúng ta.
"Việc in ấn đảm bảo sự chắc chắn cho điều được nói ra; tác phẩm trong sách là đáng tin cậy; tin tức in ra là đúng. Nếu không có sự in ấn, tin tức mất tính xác thực, và, ở thời trung cổ, là đồng nghĩa với tin đồn. Hiện chúng ta đang trong giai đoạn 'hậu tin tức', khi mà người truyền bá tin tức giả mạo có thể cáo buộc báo chí chính thống truyền bá tin giả mà không bị gì," tiến sĩ Pettitt nói.
Bất kể tác động như thế nào của cuộc cách mạng kỹ thuật số thế kỷ 21, giống như cuộc cách mạng in ấn trước nó, thì kết quả sẽ ảnh hưởng trong hàng trăm năm tới.
Nguồn: BBC