Khổ khi nhà có... hai mẹ chồng
Có thể không phổ biến nhưng chuyện “một ông mà có hai bà” ở tầm các cụ cao tuổi hiện nay cũng không hiếm. Nhiều phụ nữ đã thực sự phải chịu đựng cảnh nhà có hai “mẹ chồng quá quắt” với đầy đủ sự “đáng sợ” của cụm từ này...
Nhiều phụ nữ có “sở thích” khó bỏ: túm năm tụm ba với bạn bè và thi nhau kể xấu mẹ chồng. Thôi thì, mẹ chồng tớ quá đáng thế này, mẹ chồng tớ khó khăn thế kia đều được liệt kê ra một cách chi li, cụ thể có khi tới mức phóng đại thái quá. Mà đó là chỉ có một mẹ chồng đã thế, nếu trong nhà có tới hẳn... hai mẹ chồng thì không hiểu tình cảnh đó sẽ ra sao? Có thể không phổ biến nhưng chuyện “một ông mà có hai bà” ở tầm các cụ cao tuổi hiện nay cũng không hiếm. Nhiều cụ ông thậm chí còn “tài tình” đến mức có thể “cai quản” được cả hai bà chung sống trong một mái nhà. Với những trường hợp như thế này thì các nàng dâu khi về nhà chồng, có ngay hai mẹ chồng theo... đúng nghĩa.
Mẹ chồng lớn, mẹ chồng bé
Tính chất phức tạp “con anh con ả, con bà cả, con bà hai” của gia đình Phan đã khiến các anh trai của anh gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn bạn đời. Nhiều cô gái không muốn về làm dâu một gia đình có quá nhiều mối quan hệ chồng chéo, sống quây quần theo kiểu đại gia đình như thế nên mấy anh lớn của Phan vẫn chưa cưới vợ. Anh tuy đứng thứ 3 trong nhà nhưng lại là người lập gia đình đầu tiên. Không phải là Lê không hiểu được những khó khăn đó nhưng cô tin tưởng tình yêu sẽ giúp mình vượt qua tất cả.
Về làm dâu, Lê phải ở chung với bố chồng và hai mẹ chồng. Nhìn bên ngoài, người làng đều nói rằng gia đình Phan yên ấm nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hai bà vốn bằng mặt nhưng không bằng lòng từ nhiều năm, chẳng qua là đều nể sợ ông nên mới không dám bày tỏ thái độ lộ liễu. Bất cứ chuyện gì trong nhà Lê cũng phải hỏi cả hai mẹ, nếu không là có chuyện ngay. Bắt đầu là chuyện nấu nướng trong nhà. Mỗi khi Lê làm bữa, hai bà mẹ đứng bên cạnh “kèm từng centimet”. Canh chưa kịp sôi đã nghe mẹ cả nhắc nhở: “Con chưa cho nước mắm đâu đấy nhá”, mẹ hai e hèm: “mì chính cho ít thôi, cái loại ấy á chả bổ béo gì đâu mà cho nhiều”. Cô con dâu chẳng phải loại vụng về gì nhưng nghe chỉ đạo nhiều cũng thành ra lóng nga lóng ngóng không biết đường nào mà lần. Cùng một nồi cơm, bà chê nhão, bà lại chê khô quá. Đó là chưa kể mỗi khi hai bà bất đồng quan điểm trong cách dạy con dâu thì chỉ có mình Lê là chịu đủ.
Bà nào cũng nghĩ ý kiến của mình đúng, ý kiến của đối phương sai. Nếu con dâu làm theo ý người này thì y như rằng người còn lại sẽ cho rằng cô coi mình không ra gì và bắt đầu hậm hực, giận dỗi. Đâu chỉ thế là xong, ngay tối hôm đó, bà sẽ về “mách tội” lại với chồng và bố chồng Lê, dĩ nhiên là không quên móc máy mấy câu cho hả dạ. Nhà không chỉ có một mà tới tận hai “phát thanh viên” nên tiếng xấu con dâu vụng về, không biết cư xử đúng mực cứ thế mà bay đi khắp làng.
Sự cặn kẽ, căn cơ được tăng lên gấp hai lần. Sự xét nét, soi mói cũng tăng lên gấp đôi so với nhà khác chưa kể những va chạm trong những mối quan hệ khác: chị dâu – em chồng, anh chồng – em dâu... khiến Lê như phát ốm. Mới lấy chồng được mấy tháng mà cô có cảm giác như mình đã làm dâu tới hàng thế kỉ.
Khi bà cô chồng còn hơn cả mẹ chồng
Không có tới hai mẹ chồng theo đúng nghĩa như Lê nhưng hoàn cảnh của Linh thì cũng chả kém. Gia đình chồng Linh có một bà cô hơn 60 tuổi nhưng chưa từng lập gia đình. Cô là người đã chăm sóc, bế ẵm chồng Linh và các chị em của anh từ khi tất cả mới lọt lòng nên vị trí của bà cô trong gia đình không khác gì là một bà mẹ thứ hai. Ngay từ trước khi về làm dâu, Linh đã bị “bà mẹ chồng thứ hai” này xét nét còn ghê hơn cả mẹ chồng thứ thiệt. Thậm chí suýt nữa đám cưới của hai vợ chồng còn không được tiến hành vì bà cô phản đối với lý do bà thấy Linh có tướng “sát chồng”.
Về làm dâu trong tâm trạng không được mọi người trong gia đình chấp thuận hoàn toàn nên Linh đã phải cố gắng rất nhiều để có thể chứng minh cho gia đình chồng biết mình không phải là một cô con dâu tồi. Nữ công gia chánh, Linh đều thành thạo. Cư xử trong nhà, cô rất biết ý. Trước khi làm gì, cô cũng đều hỏi ý kiến của cha mẹ chồng và cô chồng rồi mới quyết định. Đi đâu về, Linh cũng mua hai món quà giống hệt nhau để tặng mẹ chồng và bà cô chồng để hai bà không so bì, trách móc. Mẹ chồng đã dần dần thấy cảm mến cô dâu mới thế mà Linh vẫn không thể nào chiếm được lòng tin yêu của bà cô chồng.
Đau khổ, chán nản là thế nhưng khi hỏi, hai cô dâu Linh và Lê vẫn thừa nhận “Sống chung với lũ” rồi tính cách dần dần chứ biết làm sao được. “Mỗi cây mỗi hoa/Mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng cảnh có hai mẹ chồng mà lại là những bà mẹ chồng khắc nghiệt thế này thì đúng là kể đâu cho hết khổ.