vietinfo di động
Thư mục
Góc nhìn

Từ chuyện rác nổi trên hồ, bàn về giá trị sống của người Việt

Cập nhật lúc 22-12-2016 17:57:19 (GMT+1)
Bao cao su và cả băng vệ sinh nổi trên mặt hồ Linh Đàm - Ảnh: Trần Thường

Hà Nội, vùng đất văn hiến và lịch sử đã ngàn năm soi bóng trong trái tim người Việt. Một trong những nét đẹp của Hà Nội là hệ thống hồ, mặt hồ phẳng lặng in bóng cổ thụ và cư dân dạo bước thanh bình khiến người khách phương Nam là tôi mến yêu, hãnh diện…

Chuyện cũ nhưng những điều cần suy nghĩ không hề cũ. Báo Trí Thức Trẻ, ngày 22.11.2016, đưa tin: “Sáng 22.11, một người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có tên Benjamin James Park đã đăng tải lên trang cá nhân những bức ảnh chụp tại hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Điều khiến nhiều người giật mình là hình ảnh rác rưởi, bao cao su tràn ngập mặt hồ” (trích).

Hồ Linh Đàm nằm trong khu phố sang trọng tại Hà Nội, có nhiều tòa cao tầng với nhiều cư dân nước ngoài sinh sống. “Hình ảnh rác rưởi, bao cao su tràn ngập mặt hồ” thực là một hình ảnh không đẹp, cả về cảnh quan lẫn về tác phong sống của người Hà Nội. Những cư dân khu vực hồ Linh Đàm bức xúc và cho rằng “rất có thể chủ cơ sở nào đó đã mang vứt tại đây” (trích). Cũng theo báo Trí Thức Trẻ, cùng ngày 22.11.2016: “Anh Benjamin, người chụp ảnh đưa lên mạng cho biết “thấy tôi quay phim, nhiều người chửi. Có người còn cho rằng tôi photoshop rồi đăng lên mạng, họ không tin là hình ảnh thật, có người cho rằng tôi bêu xấu cư dân ở đây” (trích).

Đọc hai bài báo trên, kết hợp với kiến thức thực tế về Hà Nội qua hàng chục lần đi công tác ra đó, tôi xin được phân tích sự việc theo thứ tự các tầng lớp: 1) Tính kỷ luật. 2) Ý thức vệ sinh môi trường. 3) Ý thức cộng đồng. 4) Tính năng động và chủ động trong việc bảo vệ cộng đồng, bảo vệ vệ sinh môi trường. 5) Tính chủ quan. 6) Tính sĩ diện địa phương, phe phái. Có thể không phải cư dân quanh hồ Linh Đàm vứt rác, tuy nhiên xin được cùng nhau bước ra bên ngoài khu vực nhỏ Linh Đàm mà nhìn chung Hà Nội, và bước ra ngoài Hà Nội mà nhìn chung Việt Nam để xem xét sự việc.

Ai cũng biết vứt rác xuống hồ là quá xấu, và không được vứt rác xuống hồ, nhưng người ta vẫn vứt. Rõ ràng là tính kỷ luật kém. Rất kém. Người vứt rác không biết việc làm đó gây ô nhiễm môi trường? Xác suất rất lớn là họ biết. Nhưng họ vẫn làm vì miễn hố rác nhà họ sạch, hay họ được một sự tiện lợi nào đó là họ bất chấp cả cộng đồng chịu ô nhiễm, dơ dáy. Ý thức cộng đồng của dân chúng đã tự cho thấy là kém.

Những người chung quanh chứng kiến thì thờ ơ trước cảnh môi trường chung bị ô nhiễm. Chắc chắn có những người xót xa, nhưng chỉ xót xa, ngậm ngùi rồi quay lưng, về nhà than thở với gia đình. Về mặt cộng đồng, phản ứng như vậy là thờ ơ! Các anh chị tưởng tượng nếu việc này xảy ra ở Geneva, Vienna, London, Berlin… dân chúng sẽ có phản ứng tích cực một cách rõ rệt như thế nào. So với thái độ đó, tôi cho rằng nhìn chung, cư dân của đô thị Việt Nam thờ ơ!

Ít nhất có một người không thờ ơ: ông Benjamin James Park, người Úc. Ông chụp hình, quay phim và tung lên mạng báo động cho công chúng về sự việc không hay để cộng đồng chung tay sửa chữa. Thái độ chứa đựng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng đó lại gặp phải phản ứng từ những người Việt Nam. Sau đó có những người không tin và có ý kiến cho rằng ông Benjamin James Park làm vậy với động cơ “bêu xấu cư dân ở đây”. Phản ứng như vậy cũng cho thấy ít tính khách quan, và cũng cho thấy nhiều tính phe phái, tính địa phương của người người phản ứng. Hễ có ai chỉ ra sự thực không tốt đẹp của địa phương mình, của phe phái mình thì cho rằng người đó “bêu xấu”, có ý đồ “thù địch”.

Phản ứng kiểu đó của một số người Việt thực là xa lạ với tư thế và tâm thế lành mạnh của một công dân tích cực trong cộng đồng. Nếu không tin vào video sao không chịu ra hiện trường tìm hiểu? Có khó khăn hay xa xôi gì đâu! Sau khi xác minh sự thật, có thể biết ngay video đó nêu đúng sự việc hay không, nội dung của nó xác đáng hay không. Nếu xác đáng thì suy nghĩ giải pháp, chương trình, kế hoạch đề nghị cùng cộng đồng khắc phục sự việc rất không hay đó… Đó mới là những suy nghĩ, hành động thực sự xây dựng cộng đồng, xã hội. Đó mới là thái độ và suy nghĩ đúng đắn của một công dân toàn cầu hiện nay mà nhiều người trên thế giới đang hướng tới.

Sự việc hồ Linh Đàm chỉ là một ví dụ biểu trưng, bởi vì nhiều nơi trên đất nước chúng ta rác rưởi tràn lan. Từ miền đất ngàn năm văn hiến tới phương Nam mới mở, từ đô thị lớn tới thị xã xa xôi… Các tính chất của người nước ta được phân tích như trên là nguồn gốc thực của rác thải xả nơi công cộng. Rác thải đủ loại, không chỉ là bao cao su vất xuống mặt hồ.

Còn là những hồn nhiên vặt hoa nơi triển lãm, những hung hăng cướp ấn đền Trần, những chiếc xe nghênh ngang chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, những tụ tập bạn bè đánh bạn học dã man, những trộm chó và man rợ giết người trộm chó… Và một loại rác thải cực kỳ tai hại đang là nguồn dịch bệnh: sự chai mòn cảm xúc trước những hành động phi nhân, sự ngoảnh mặt quay lưng với những giá trị đạo đức! Những loại rác thải này chỉ tràn lan trong xã hội nước ta vài mươi năm lại đây! “Hình ảnh rác rưởi, bao cao su tràn ngập mặt hồ” làm xấu hình ảnh của Việt Nam. Hình ảnh cảnh quan xấu đó có thể được làm đẹp lại sau một thời gian ngắn nhờ vớt rác.

Các tính chất xấu xí kia cần bao nhiêu thời gian mới gột rửa được để tâm hồn Việt trở lại vừa trong sáng và đẹp đẽ như xưa vừa biểu hiện được nếp sống văn minh nhân bản thời hiện đại? Người viết vẫn tin vào năng lực của dân tộc có thể làm một cuộc phục hưng nếp sống đẹp. Tuy nhiên, nếu Việt Nam vẫn loay hoay trong triết lý và cách tổ chức xã hội cũng như hệ thống giáo dục như hiện nay mà chưa có giải pháp đột phá, thì chúng ta có nghĩ rằng Việt Nam sẽ sớm phát huy được năng lực phục hưng đó không?

Nguồn: Lê Học Lãnh Vân/Duyên Dáng Việt Nam 

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: