vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Văn hóa lùn

Cập nhật lúc 18-06-2018 13:12:39 (GMT+1)

Vậy là một sự kiện rôm rả nữa đã kết thúc với thành công tốt đẹp. Tương tự như tất cả mọi sự kiện khác, chắc chắn dư âm cuộc thi Áo dài Phu nhân 2018 tại châu Âu vừa diễn ra tại Praha sẽ lắt lay vài ba bữa nữa theo tinh thần “ma chê cưới trách” truyền thống của người Việt.

Nhưng dù sao mặc lòng, thì vì thiết lập theo phương án “mỡ nó rán nó”, nên dự án Áo dài Phu nhân này chắc chắn không phải lăn tăn tới khía cạnh âm dương ngân sách. Nói tóm lại là đa số người tham gia cảm thấy hài lòng mãn nguyện. Chỉ có điều, nếu sự kiện này diễn ra ở một địa danh nào đó thuộc vùng sâu vùng xa và nhà tổ chức là vài ba vị trưởng bản thì quả là thành công mĩ mãn. Còn nếu như do một tổ chức có danh phận tầm cỡ là Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã chuẩn bị kỹ càng thực hiện, thì cần nên xem xét lại.

Xin miễn bàn về mọi diễn biến, nhưng người viết bài này dù chỉ là một tên đánh máy mạt hạng chỉ qua nghi lễ đón tiếp thí sinh đã có thể mạo muội nhận định là năng lực văn hóa của Ban tổ chức thực sự có vấn đề. Bởi Praha nằm ở vị trí địa lí trung tâm châu Âu, nơi có thể nói là cái nôi của nền văn minh mà một trong những nền tảng của nó là tôn trọng phụ nữ. Nhưng cái nền tảng văn hóa ấy đã bị các cán bộ văn hóa đại diện cho cộng đồng nói tiếng Việt xem thường.

Xin được dẫn vài nguyên tắc sơ đẳng về văn hóa bắt tay của nền văn minh nhân loại, mà hầu hết các dân tộc trên thế giới đều tuân thủ.

Theo Viện Tri thức Dân tộc CH Séc (Národní ústav pro vzdělání- NÚV), nghi lễ chào hỏi, bắt tay có những nguyên tắc rõ ràng. Khi bắt tay cần nhìn vào mắt đối tượng, nét mặt tỏ thái độ thân thiện, dùng bàn tay phải đưa ra theo chiều dọc và chỉ khi đến khoảng cách gần phù hợp (lí tưởng nhất là khoảng cách 60- 70 cm)…

Không được phép chìa tay bắt khi ở tư thế ngồi (ngoại trừ trường hợp đó là phụ nữ hay người cao tuổi), không được phép vươn tay bắt qua bàn hay bắt chéo với người khác. Không được phép chìa tay bắt cho ai, nếu người đó đang mang đồ vật. Không bắt tay khi ở vị trí chênh lệch.

Còn nguyên tắc nếu là khác giới thì phụ nữ là người chủ động có thể loại bỏ, trong trường hợp bên tiếp đón là nam và khách là nữ.

Thế nhưng nhất là qua các đoạn ghi hình livestream của nữ cộng tác viên VTV Diệu Linh, thì thấy tất cả các cán bộ văn hóa Việt Nam từ ban tổ chức đã phá vỡ mọi nguyên tắc văn hóa xã giao, và thấy rõ trong nhiều trường hợp làm các nữ thí sinh cảm thấy khó sử. Với gần trăm người và thủ tục đón tiếp một vài phút, thì nhóm thí sinh nhiều người đã phải đứng chờ cả giờ đồng hồ dưới trời nắng để đợi tới lượt mình. Và khi tay sách nách mang lễ mễ đến nơi chưa kịp hoàn hồn đã thấy mấy cánh tay chìa ra đòi bắt. Điều đáng nói là cảnh này diễn ra từ đầu đến cuối.

Cố tìm cho ra nguyên nhân nào đó để lí giải cho thực tế, là tại sao các cán bộ Ban tổ chức không quá bộ thêm đúng ba bước chân xuống hết ba bậc thềm để đón? Có thể là khi thấy giàn thí sinh chân ai cũng dài nên tự ti với chiều cao khiêm tốn của mình, các cán bộ văn hóa quyết định khắc phục khiếm khuyết lùn của mình bằng cách đứng trên bậc thềm cao. Thế nhưng tiếc thay cho họ, là biện pháp chống chế này lại quá lùn về văn hóa.

Hơn nữa, có thể là chắc mẩm vào tinh thần của phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó và cả chịu…nhục, nên sự quan tâm sơ đẳng nhất với thí sinh, bằng cách bố trí ai đó nâng giúp tư trang cho họ lên mấy bậc thềm cũng không có cán bộ văn hóa nào nhìn thấy. Thực sự đáng tiếc là những hình ảnh phản cảm như vậy diễn ra trong suốt nghi thức đón tiếp các quí bà phu nhân.

David Nguyen - Praha, 06/2018
 ©Vietinfo

 

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: