vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Trách nhiệm lương tâm

Cập nhật lúc 18-03-2017 21:03:43 (GMT+1)
Gặp mặt với nhà văn, tác giả tiểu thuyết Hiểm họa da vàng và các dịch giả. Ảnh: FB Đỗ Ngọc Việt Dũng

Buổi tối ngày 17 tháng Ba 2017, tại nhà hàng Hoàng Thành ở TTTM Sapa, Praha đã diễn ra cuộc gặp gỡ khiêm tốn mà các nhà tài trợ đã giúp sức tổ chức cho kỹ sư Đỗ Ngọc Việt Dũng từ Việt Nam sang công tác và tranh thủ giới thiệu về niềm đam mê của mình.

Dù nhỏ những với ý nghĩa lớn, nên có sự hiện diện của cả đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trương Mạnh Sơn và phu nhân, chủ tịch Hội người Việt Nam ở Cộng hòa Séc Nguyễn Duy Nhiên, phó chủ tịch Hội người Séc gốc Việt Giang Thành và một số bè bạn khách mời của người tổ chức, đặc biệt là ông Martin Klepetko cựu đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ và người thân.

Mục đích chính cho cuộc gặp gỡ là để anh Đỗ Ngọc Việt Dũng với bút danh đã dần trở nên nổi tiếng Honza Do giới thiệu về những đam mê và ấp ủ của mình trong lĩnh vực văn hóa Séc. Honza Do lần đầu tiên giới thiệu về tác phẩm mà tạm thời đặt tên Việt Nam là Hiểm họa (da) vàng của tác giả Cộng hòa Séc Vlastimil Podracký- Žluté  nebezpečí; mà theo dự kiến sẽ có thể phát hành sau tháng Bẩy năm nay.

Lâu nay, tên của kỹ sư Đỗ Ngọc Việt Dũng đã không còn quá xa lạ với tất cả, chủ yếu qua những nỗ lực của anh về niềm khao khát đầy nhân tính- giới thiệu với Việt Nam về Tiệp Khắc hay Cộng hòa Séc. Hoàn toàn tự nguyện mà không kỳ vọng lợi nhuận vật chất. Thực sự khâm phục nỗ lực ấy, người viết bài này hết sức hành diện khi được đề nghị góp phần nhỏ bé của mình vào công tác biên dịch Hiểm họa da vàng.

Quê hương là gì? Quê hương là cảm giác, là tình cảm theo đuổi mỗi chúng ta cả cuộc đời. Là cảm giác về chốn định cư khó giải thích, nhưng ai cũng rõ đó là tổ ấm nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng cũng cả tổ ấm, nơi ta nuôi nấng chăm sóc cháu con mình. Quê hương có thể là nơi được thừa hưởng từ tiền nhân, mà với nhiều người có khi là gánh nặng tinh thần nên vì thế nhiều lúc bị chối bỏ. Quê hương cho rất nhiều nhưng cũng ràng buộc bởi nghĩa vụ. Mặc dù là hoàn toàn tự nhiên khi coi quê hương là nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, quê hương là môi trường nơi người ta chấp nhận nó là của mình! 

Dòng đời trôi đi và với rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, miền đất trung Âu vô cùng xa xôi và từng vô cùng xa lạ mang tên Cộng hòa Séc này đã trở thành quê hương qua nhiều cách nói, nhưng đa phần vẫn gọi là quê hướng thứ hai.

Quê hương cho rất nhiều! Bao nhiêu người Việt Nam đã nhận được tri thức, đã có cuộc sống phồn vinh thịnh vượng viên mãn và tương lai hứa hẹn cho bản thân và con cháu từ quê hương mới này. Vì thế chắc chắn mỗi người phải cảm thấy có nghĩa vụ châm sóc nâng niu nó. Trong đó có nghĩa vụ đạo đức.

Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ ngoại giao gần bẩy mươi năm. Và cho tới nay quê hương thứ hai mới chỉ biết đến những đứa con mà nó thu dung dậy dỗ chủ yếu qua mấy chiếc áo dài, nón lá hay những cái nem rán và cùng lắm là vài sự kiện giao lưu mang tính xã giao. Gần bẩy mươi năm rồi mà Việt Nam phần nhiều vẫn chỉ biết đến Cộng hòa Séc qua thủy tinh pha lê hay cốc bia hảo hạng và một cộng đồng mang tên Việt Nam vừa „được công nhận“ là dân tộc thiểu số.

Qua những gì mà kỹ sư Đỗ Ngọc Việt Dũng đã và đang làm. Và làm được. Thấy đã đến lúc cần phải có những sự quan tâm cụ thể và thiết thực hơn nữa góp phần đưa vào tiềm thức cả khía cạnh quan trọng khác nữa của cuộc sống- sự hiểu biết gần gũi về văn học nghệ thuật của quê hương mới. Và đó là trách nhiệm lương tâm của tất cả những ai đã nhận được từ quê hương Cộng hòa Séc chút gì có ý nghĩa với cuộc đời mình.

David Nguyen - Praha. Tháng Ba 2017
 ©Vietinfo

 

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2024 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: