vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Qui chế dân tộc thiểu số của người Việt Nam ở Cộng hòa Czech

Cập nhật lúc 17-07-2016 17:07:28 (GMT+1)
Nguồn ảnh: Internet

Mới đó mà đã ba năm, kể từ khi chính phủ đang trong thời gian từ chức của thủ tướng Petr Nečas (ODS) trước khi giải thể trong phiên họp cuối cùng ngày 03.07.2013 đã ký quyết định sửa đổi Qui chế điều lệ Hội đồng chính phủ về các sắc tộc thiểu số, bổ xung thêm thành viên mới gốc Việt Nam và Belarus vào cơ quan cố vấn này.

Thực tế này, theo Từ điển bách khoa toàn thư mở tại địa chỉ https://cs.wikipedia.org/wiki/Vietnamsk%C3%A1_men%C5%A1ina_v_%C4%8Cesku bị (hay được) nhiều người vì những lí do nào đó hiểu nhầm (trên phương diện pháp lý), tuyên truyền như sự “công nhận” những người Việt Nam ở Cộng hòa Czech là dân tộc thiểu số.

Theo luật, thành viên các sắc tộc thiểu số trong những hoàn cảnh cụ thể mà pháp luật qui định, có quyền được học tập đào tạo, đối thoại với cơ quan nhà nước bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thế nhưng đã ba năm trôi qua kể từ “thời điểm lịch sử” đó, đã có cá nhân nào trong cộng đồng mà đến ngày 30.06.2016 theo số liệu thống kê chính thức của bộ Nội vụ tổng cộng 57.680 công dân quốc tịch Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ CH Czech này, bằng hình thức nào đó tận dụng cái quyền sắc tộc thiểu số được pháp luật bảo đảm ấy? Những quan chức trong cộng đồng đã và đang thường xuyên hạch toán công lao nỗ lực đóng góp từ vận động tranh thủ sự ủng hộ cho tới đấu tranh bền bỉ để yêu cầu nhà nước sở tại “chính thức công nhận cộng đồng người Việt Nam ở CH Czech là dân tộc thiểu số” liệu có thể làm được gì để biến cái bánh vẽ kia trở thành sự thật? Không thể! Bởi qui chế sắc tộc thiểu số cho tới thời điểm này vẫn chỉ giành cho những ai đã nhập quốc tịch CH Czech.

Còn trong khuôn khổ các qui định pháp lý liên quan tới quyền lợi (và dĩ nhiên cả trách nhiệm) của công dân Czechia là thành viên các cộng đồng sắc tộc thiểu số mà trong đó có cả những người gốc Việt Nam, thì ngoài luật số 273/2001 Sb., về quyền các thành viên sắc tộc thiểu số, còn có nhiều luật khác liên quan mật thiết. Ví dụ như luật số 500/2004 Sb., về Thủ tục hành chính, tại điều 16- Ngôn ngữ giao tiếp, trong mục 4 ghi rõ: “Công dân Cộng hòa Czech là thành viên sắc tộc thiểu số, trước cơ quan công quyền có quyền giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nếu cơ quan chính quyền đó không có công chức nào sử dụng được ngôn ngữ thiểu số ấy, thì công dân tìm phiên dịch trong danh lục các phiên dịch. Chi phí phiên dịch và chi phí biên dịch trong trường hợp này do cơ quan nhà nước chịu”. Một điều khoản có nội dung tương tự cũng có trong luật số 280/2009 Sb., về Thủ tục thuế. Cụ thể là điều 76 mục 4: “Công dân Cộng hòa Czech là thành viên sắc tộc thiểu số, trước các cơ quan quản lý thuế có quyền giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nếu cơ quan quản lý thuế đó không có công chức nào sử dụng được ngôn ngữ thiểu số ấy, thì công dân tìm phiên dịch trong danh lục các phiên dịch. Chi phí phiên dịch và chi phí biên dịch trong trường hợp này do cơ quan quản lý thuế chịu”.

Theo văn kiện bình luận của chính phủ CH Czech phản ứng ý kiến phê phán hồi quí IV năm 2015 của Ủy ban cố vấn về Hiệp định khung về bảo vệ sắc tộc thiểu số, nhắc nhở những thiếu sót của nhà nước CH Czech khi thực hiện cam kết với hiệp định này (ACFC/OP/IV(2015)004), khẳng định quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số được sử dụng trên toàn lãnh thổ.

“Quyền tương tự của các thành viên sắc tộc thiểu số cũng có cả trong các loại hình giao tiếp hành chính khác- nhất là trong các thủ tục tòa án (ví dụ điều 18 luật số 99/1963 Sb., về Thủ tục tòa án dân sự, điều 33 mục 1 luật số 182/1993 Sb., về Tòa Hiến pháp, v.v…). Trong thủ tục tố tụng hình sự qui định có khác đôi chút (điều 12 mục 4 luật số 141/1961 Sb., về tố tụng hình sự). Nhưng tất cả các qui định này đều có hiệu lực trên toàn lãnh thổ CH Czech,” văn kiện bình luận của chính phủ viết.

Văn kiện bình luận này của chính phủ chủ yếu là phản ứng lại điểm 79 trong Những kiến nghị của Ủy ban cố vấn, mà qua đó gây cảm giác, rằng quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của thành viên các sắc tộc thiểu số khi giao tiếp với chính quyền chỉ hạn chế tại một số địa phương. Chính phủ CH Czech khẳng định nhiều lần trong văn kiện bình luận, rằng pháp quyền này có hiệu lực trên toàn lãnh thổ không phân biệt địa bàn, lĩnh vực.

Nhân dịp ba năm ngày “cộng đồng người Việt Nam tại CH Czech được chính thức công nhận là dân tộc thiểu số” theo cách lộng ngôn có chủ đích của một số cá nhân và tổ chức ấy, xin được đặt ra một câu hỏi rõ ràng ngắn gọn: Đã có cá nhân công dân Việt Nam nào đang định cư sinh sống trên lãnh thổ CH Czech được (hay dám?) tận dụng cái quyền được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ khi giao tiếp với các công chức nhà nước tại Cục tị nạn và chính sách di trú bộ Nội vụ hay cảnh sát ngoại kiều CH Czech, hoặc thuê mướn phiên dịch sau đó yêu cầu các cơ quan này thanh toán chi phí hay chưa?

(David Nguyen- tháng 7.2016)

Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: