vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Ở Việt Nam mọi người đều đã chịu đau khổ

Cập nhật lúc 31-08-2016 12:00:00 (GMT+1)
Anh Hoài Phương- chủ nhà hàng Papaya tại Bratislava (Ảnh P. Rábara- postoj.sk)

Hoài Phương, đầu bếp và chủ nhà hàng Việt tại Bratislava đã có buổi nói chuyện với nhà báo Pavol Rábara về chủ nghĩa cộng sản, bom đạn Mỹ, cả về  chủ nghĩa tư bản, ảnh hưởng xấu của Trung Quốc cũng như bí mật về món phở tuyệt ngon. Bài đăng trên postoj.sk

Ông là người Việt đang sinh sống tại Slovakia, có gia đình, con cái và nhà hàng tại đây. Thực ra thì ông sống ở đây lâu chưa?

29 năm rồi .

Như vậy ông có thể biết được sự khác nhau giữa người Slovakia và người Việt?

Tôi đã nghĩ đến điều là chúng ta có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như trải nghiệm với chủ nghĩa cộng sản. Slovakia là quốc gia hậu cộng sản, trong khi đó chủ nghĩa cộng sản vẫn đang tồn tại ở Việt Nam.

Kể cả khi đó không phải là thứ chủ nghĩa cộng sản như chúng tôi đã trả qua, nhất là trong chuyện kinh doanh, đi lại.

Vâng, đúng thế. Tuy vậy chúng ta có nhiều điểm tương đồng, bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã làm hỏng tính cách của chúng ta. Chúng ta không tự chủ như người phương Tây, chúng ta luôn dựa vào chính phủ, nhà nước hoặc trông chờ vào một ai đó để giải quyết các vấn đề của mình. Các điểm tương đồng khác là người Việt và người Slovakia đều chăm chỉ và đặc biệt thích canh, xúp trong bữa ăn.

Ta sẽ đề cập đến chuyện này sau. Nếu nói về đức tính chăm chỉ thì người Việt được biết đến nhiều hơn so với người Slovakia.   

Ông khẳng định vậy nhưng qua thời gian sống tại đây , tôi nhận thấy là người Slovakia rất chăm chỉ.

Người Việt được biết đến là khiêm nhường và chăm chỉ làm việc.

Đúng . Vì ngoài công việc ra  chúng tôi không có gì khác. Đồng thời chúng tôi cũng nhận thức rằng có nhiều người khác phụ thuộc vào mình, xuất phát từ nhân sinh quan của người Á châu là giúp đỡ người thiệt thòi hơn. Đặc biệt là đối với những người ở nước ngoài có nhiều cơ hội hơn. Vì thế chúng tôi nỗ lực hơn không chỉ vì bản thân mà còn vì người khác nữa.  

Nói đến chủ nghĩa cộng sản, tại sao cho đến nay nó vẫn chưa sụp đổ ở Việt Nam?

Vì ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc đến Việt Nam. Tôi e rằng, một khi chủ nghĩa cộng sản chưa sụp đổ ở Trung Quốc thì nó vẫn chưa kết thúc ở Việt Nam được. Đảng cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến đảng cộng sản Việt Nam, thậm chí các đồng chí Việt Nam phải cầu cứu các đồng chí Trung Quốc trước khi đưa ra các quyết định hệ trọng.

Việt Nam có một quá khứ lịch sử nặng nề , đặc biệt là chịu nhiều đau khổ ở nửa cuối của thế kỷ 20. Các bạn xung đột với thực dân Pháp, với Nhật Bản, Nga, Mỹ. Tại sao nhiều bạo lực và chiến tranh đến thế xảy ra ở Việt Nam?

Vì vị trí. Việt Nam nằm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Người Pháp và về sau là người Mỹ muốn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng về hướng nam. Chúng tôi không giàu tài nguyên thiên nhiên. Chỉ vì vị trí trên bản đồ mà thôi.

Tất cả các bên tham chiến (chú thích của người dịch) đều chịu đau khổ . Điều này ảnh hưởng đến dân tộc Việt Nam như thế nào?

Chúng tôi đã chịu đựng và đấu tranh từ lâu, chống lại các thế lực ngoại xâm và áp bức từ bên ngoài. Người Trung Quốc thống trị chúng tôi cả nghìn năm, sau họ là người Pháp, người Nhật, người Mỹ. Cuộc  chiến với Trung Quốc gần đây nhất là vào năm 1979, khi họ ủng hộ Khơ Me đỏ ở Cam-pu-chia trong khi chúng tôi giúp đỡ và đứng về phía nạn nhân của chúng.     

Có thể nói rằng không có gia đình nào ở Việt Nam vào thế kỷ 20 là không chịu đau khổ?

Tất cả đều đau khổ, bên nào cũng vậy. Quê tôi ở miền Trung, có một thời kỳ thuộc lãnh thổ Nam Việt Nam, ban ngày do người Mỹ kiểm soát, đến đêm du kích xuống và quyền kiểm soát lại thuộc về họ.

Một tưởng  tượng khủng khiếp. Gia đình ông bị liên lụy thế nào?

Chúng tôi khổ lắm, tôi là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh. Tôi mất cả ba lẫn mẹ lúc mới 7 tháng tuổi do bom đạn Mỹ. Bà nội nuôi dưỡng tôi.  

Ở phương Tây , chúng tôi biết đến nhiều về đau khổ mà người Mỹ gây ra cho Việt Nam vì có rất nhiều phim ảnh được quay về đề tài này . Quan hệ của người Việt đối với người Mỹ thế nào?   

Tùy theo tác động của chiến tranh đến từng người như thế nào. Người trong Nam thích nước Mỹ vì nước Mỹ đồng nghĩa với tự do. Lớp trẻ thích lối sống, văn hóa, điện ảnh Mỹ.

Thích đến mức họ phân biệt châu Âu với Mỹ và ưu tiên nước Mỹ hơn?

Đúng là như thế. Nếu có thể, giới trẻ đến Mỹ du học. Con cái của các nhà lãnh đạo cộng sản cũng học tại các trường tư của Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 vừa rồ , tổng thống Obama được tiếp đón như người nhà. Khi chủ tịch Trung Quốc đến, không ai bận tâm cả.

Vẫn còn sự khác nhau giữa miền Nam và miền Bắc?

Vẫn còn. Người miền Nam năng động kinh doanh hơn, cởi mở với thế giới bên ngoài hơn. Tư duy họ thoáng hơn nhờ đã trải qua chủ nghĩa tư bản.   
Người miền Bắc giống người Trung Quốc nhiều hơn, ít cởi mở. Điều này nhận thấy được trên đường phố, các lĩnh vực dịch vụ, trong cư xử của người với người, ở miền Bắc khác miền Nam.

Người Nhật đã cư xử rất dã man với các bạn. Quan hệ hai nước hiện nay ra sao?

Quan hệ giữa hai nước đã tốt lên từ lâu. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Họ hỗ trợ cả các tổ chức phi chính phủ.

Còn với người Pháp?

Gần 100 năm chúng tôi là thuộc địa của Pháp. Ở  một khía cạnh nào đó họ có giúp chúng tôi, nhưng nói chung họ không phải là những kẻ cai trị giỏi. Các thuộc địa cũ của Anh quốc phát triển hơn nhiều so với các thuộc địa Pháp. Người Pháp bóc lột chúng tôi rất nặng. Chúng tôi không nhớ đến họ. Thậm chí chữ quốc ngữ của chúng tôi có được cũng không phải nhờ họ mà mẫu tự La Tinh là  do các nhà truyền giáo người  Bồ Đào Nha mang đến từ thế kỷ 18 .

Có bao nhiêu tín đồ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam?

Chúng tôi là một trong những quốc gia có cộng đồng thiên chúa giáo lớn nhất ở châu Á. Gần 10 triệu người Việt theo đạo Thiên chúa.

Ai là tín đồ Thiên chúa giáo Việt Nam?   

Họ gồm nhiều các thành phần khác nhau, phần lớn sống tập trung ở các thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội. Người theo đạo Thiên Chúa Việt Nam hướng Tây và có quan hệ gắn bó với châu Âu, nhờ tín ngưỡng.

Chúng ta chuyển sang đề tài nhẹ nhàng hơn: ẩm thực Việt. Ở châu Âu cũng như trên thế giới những năm gần đây lên cơn sốt ẩm thực Việt. Ông cũng “ăn nên làm ra”  tại đây, ở Bratislava. Tại sao ẩm thực Việt  lại thành công như vậy?

Vì đáp ứng được xu hướng và lối sống của con người hiện đại, ngon, bổ lành và cân bằng âm dương. Chúng tôi không dùng nhiều dầu, mỡ mà dùng nhiều nhiều rau củ và rau thơm mang tính lành và trị bệnh.   

Có nhiều người chưa nếm đồ ăn Việt sẽ  đọc bài  phỏng vấn này. Chúng tôi cũng có xúp mì gà không thể thiếu được vào Chủ Nhật. Ông cho biết điểm khác biệt giữa xúp của chúng tôi với phở bò hoặc phở gà?

Bí mật của phở là ở nước phở, được chuẩn bị rất lâu và công phu. Xương tủy bò và nhiều gia vị được hầm ít nhất 8 tiếng. Chúng tôi dùng nhiều xương chứ không dùng mì chính. Nếu có một đồng nghiệp nào đó dùng mì chính (tôi không muốn nói xấu ai cả) thì phở không còn là phở đúng nghĩa nữa. Phân biệt được qua vị. Vị ngon của phở được tạo nên bởi xương được hầm nhừ. Thịt cũng quan trọng.  

Điều lạ với chúng tôi là các bạn cho thêm chanh và gừng vào phở. Nhưng lại ngon tuyệt . Các lọai gia vị nào được nêm vào phở?

Có năm lọai là thảo quả , hoa hồi , quế , gừng và mùi . Chúng được nêm lúc nấu hoặc nêm trước.

Ngược lại món nào của chúng tôi khiến ông  ngon miệng?

Nhiều món , mẹ vợ tôi cũng là đầu bếp  

Khi muốn làm vừa lòng ông, bà nấu món gì?

Xúp mì. (Cười). Bà cũng dùng nhiều xương và thịt. Và tất nhiên là thị bọc bột rán. Bà làm món này ngon lắm. (Cười)

Ông có vợ người Slovakia. Vậy các con ông tự thấy chúng là người Việt hay người Slovakia ?

Tôi có hỏi chúng về sắc tộc, một đứa bảo là người Kinh, đứa kia thì bảo là người Slovakia , đứa thứ ba thì bảo “con không biết, con thấy nửa này nửa kia, có dân tộc nửa này nửa kia không ? ” (Cười )

Ông còn có ai ở Việt Nam?

Các cô dì, chú bác, cậu mợ  và anh chị em họ. Gần gũi nhất là bà nội, người đã thay thế ba mẹ nuôi dưỡng tôi nhưng bà đã mất gần 20 năm rồi. Tên nhà hàng của chúng tôi – Quả Đu Đủ được đặt để tưởng nhớ đến bà. Lọai quả này trong vườn bà là tất cả đối với chúng tôi. Ngày ấy, chúng tôi ăn đu đủ suốt với nhiều món khác nhau.

Người ta gọi ông là Danny , nhưng đây không phải là tên thật của ông?    

Không , tên Việt Nam đầy đủ của tôi rất khó phát âm nên mọi người bắt đầu gọi tôi là Danny do tôi thấp bé như Danny De Vito (cười). Tên tôi là Phương, cả tên lót là Hoài Phương*.

Vậy thì ông đã chọn đúng xứ sở (để cư trú).

(Cười)    

* Chú thích của người dịch:Đảng liên tục thắng cử trong 3 kỳ bầu cử quốc hội chính thức  vào các năm 2008, 2012 và 2016  tại Slovakia là Smer tức là Phương Hướng. Hoài Phương=Večný Smer. Một kiểu chơi chữ của biên tập viên.


Người dịch: Hoài Phương- vietinfo.eu

Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: