vietinfo di động
Thư mục
Séc-Slovakia

Người Việt tại Séc: Trải thảm về đâu...

Cập nhật lúc 11-08-2014 21:16:31 (GMT+1)
Đại sứ Trương Mạnh Sơn và ban lãnh đạo thành phố Zelezna Ruda. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Sau khi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài về cuộc viếng thăm làng Železná Ruda của ngài Đại sứ Trương Mạnh Sơn, đã có nhiều ý kiến phản hồi. Hầu hết các ý kiến cho rằng, tính trung thực thông tin của TTXVN có quá nhiều sạn không xứng tầm vói một thông tấn xã quốc gia. Sau đây là một trong những ý kiến về cách đưa tin của phóng viên TTXVN tại Séc. 

Người Việt ở Zelezna Ruda: Trăn trở với 'Đà Lạt của Séc' 

Có lẽ rất lâu rồi chưa được trận cười…mếu máo như lần này, khi đọc trên mấy báo cộng đồng thấy câu chuyện được hãng thông tấn khổng lồ và uy tín nhất Việt Nam, miêu tả rằng thị trấn Železná Ruda đang làm nhiều người Việt Nam xúc động “trăn trở” vì được “trải thảm” mời chào, đón tiếp trọng thị.

Trong quá khứ, chuyện “nổ” có dính tới yêu tố ba hoa từ Tiệp cũng đã từng xảy ra, như có danh thủ túc cầu nổi tiếng Việt Nam khoe câu lạc bộ Slavia ở Praha đang muốn ký hợp đồng chuyển nhượng trị giá hàng trăm triệu korun với mình. Dĩ nhiên danh thủ nọ ngày đó đang làm hàng nên đánh tiếng vậy, nhưng cu cậu lại không biết chi tiết, là vào đúng thời điểm đó và cho cả tới bây giờ, Slavia vẫn đang lẹt đẹt vì chuyện tiền nong. Mà vào cái thời gian định mệnh mà đang được danh thủ kia kể đến ấy, Slavia chút nữa không được cho thi đấu giải năm đó, chỉ vì không đáp ứng được các chỉ tiêu tài chính và nợ lương cầu thủ đầm đìa.

Rồi chẳng bao lâu sau, một “đại gia” từ thành phố Cheb về quên hương, leo lên truyền thông “nổ” vang trời, khoe ở bển ăn chơi vào dạng nhất và đi lại toàn bằng máy bay dư thế lào, chắc nhiều người còn nhớ đã làm cộng đồng được mẻ cười ra sao.

Thôi thì, chuyện những người ở Tiệp Khắc này về hay ba hoa, thì cũng dễ lượng thứ, bởi họ phần nào nhiễm tính hài hước của dân bản địa. Thế nhưng, với cái cú “trải thảm” mới nhất này lại là chuyện hoàn toàn khác. Bởi nó không “toát lên” từ bên mâm rượu của các bợm nhậu đang hồi “tây tây” chém gió, mà là từ nhận định của phóng viên thường trú TTXVN ở Cộng hòa Séc. Nghĩa là cơ quan truyền thông nhà nước lớn nhất của Việt Nam, trả lương cho những tin tức quí giá mà nhân viên thu lượm được khi thường trú ở hải ngoại để tác nghiệp. Nghĩa là loại thông tin nghiêm túc cần được cân nhắc, xem xét tận dụng.

“Thị trưởng Michal Snebergr đã mời Đại sứ Việt Nam Trương Mạnh Sơn, đại diện Hội Người Việt Nam tại Séc, một số doanh nhân người Việt tại địa phương tới tòa thị chính để trao đổi về cơ hội hợp tác và đầu tư. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy vị lãnh đạo thành phố coi trọng vai trò của cộng đồng người Việt nói chung và giới doanh nghiệp Việt nói riêng.

Lời kêu gọi và sự "rải thảm" của ban lãnh đạo thành phố Zelezna Ruda khiến các doanh nhân Việt phải suy nghĩ thật thấu đáo và câu trả lời có lẽ chưa có được trong một sớm một chiều.”

Thú thực, nếu quá lời thì có thể gọi là nhận định luôn qua đoạn trích này là của ai đó đang “ngáo đá”, còn nhã nhặn hơn, thì đó là suy nghĩ của người lẽ ra chỉ nên dựa cột mà nghe. Bởi vì người này không hề biết, rằng vào cái thời gọi là “hoàng kim” của chợ trời biên giới, ngoại trừ trường hợp trưởng làng Potůčky với phát ngôn hùng hồn, “đen trắng thế nào cũng được hết, miễn là đóng góp cho ngân sách địa phương”. Với lập trường nhất quán đó, có thể nói hầu như duy nhất Potůčky là địa phương tạo điều kiện cho người Việt Nam kinh doanh tốt nhất trong chừng mực có thể. Và cũng chính vì vậy, Potůčky trở thành cái láng khỉ ho cò gáy duy nhất ở Cộng hòa Séc có kinh phí khủng dành cho phúc lợi.

Trái lại, hầu hết tất cả các địa phương khác đều chỉ coi các chợ Việt Nam là những cái ung nhọt, muốn và cần phải dỡ bỏ. Thậm chí, nhiều chính khách từ trung ương đến địa phương, khi muốn đầu cơ điểm chính trị còn lôi cả chợ Việt Nam vào, rằng sẽ làm mọi cách để đuổi cổ các chợ ra khỏi địa phương nếu như họ được dân chúng tín nhiệm bỏ phiếu bầu. Những người từng kinh doanh tại cái thị trấn Železná Ruda chắc cũng chưa quên quyết tâm “đào tận gốc, trốc tận rễ” các chợ Việt Nam của những người từng điều hành địa phương này, nhưng đã không thành vì thiếu cơ sở pháp lý. Và chắc họ sẽ phải rơi lệ vì  cảm động khi đọc dòng tin rất chi ngoại giao của cơ quan ngoại giao: “Nhân dịp này, Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã cảm ơn chính quyền thành phố trong những năm qua đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại thành phố phát triển công việc làm ăn, ổn định cuộc sống và tin tưởng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền thành phố Železná Ruda đối với cộng đồng người Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống tại đây.”

Người Việt Nam kinh doanh ở CH Séc và nhất là các vùng biên giới, chỉ còn có thể dựa duy nhất vào nguyên tắc pháp lý dân chủ của quốc gia này, dựa vào các điều khoản hợp đồng đã được ký kết về thời hạn, hay kinh doanh trên những mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân, nên mới không bị các lãnh đạo địa phương phẩy tay dẹp chợ lãng xẹt. Vì thế cho nên mới có cơ mà tồn tại, và nhiều nơi- kể cả thoi thóp- cho tới tận bây giờ.

Còn hiện nay, khi “cơn mưa vàng” đã tạnh, chủ yếu vì thời cuộc, vì chuyển biến thực tiễn không thể đảo ngược, nên kinh doanh buôn bán ở các chợ vùng biên ngày càng teo hẹp hay hoàn toàn chấm dứt. Người kinh doanh Việt Nam “rũ áo ra đi” tìm nguồn sống ở nơi mới, chủ yếu vào nội địa và các địa phương biên cương bị mất đi nguồn thu đáng kể từ những “cơn mưa vàng” do chính người Việt tạo ra cho họ.

Và tình trạng hiện nay của Železná Ruda cũng nằm trong số đó. Hạ tuần tháng 7, phụ trương nhật báo Mladá fronta Dnes ấn bản tại vùng Tây Séc cũng đã có bài viết mang tiêu đề “Chợ trời đang dần diệt vong” miêu tả thực trạng này: “Khách hàng Đức, những người hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa chợ trời, đã không còn nữa,” chủ tịch thị trấn Železná Ruda Michal Šnebergr khẳng định. Theo Šnebergr, nguyên nhân là do ví dụ pháo không đáp ứng tiêu chuẩn EU, rượu giả, phiền toái với ma túy. Vì thế cho nên các khu chợ sầm uất ngày nào giờ vắng tanh. Hiện nay Železná Ruda phải bắt đầu gây dựng lại du lịch, dựa vào thế mạnh là điểm trung chuyển quan trọng của hành trình ngắn nhất bằng đường bộ và đường sắt từ Praha đi München. Dự án du lịch mới, mà mặc dù khả năng hoàn vốn là rất lâu nhưng lại đang rất thiếu trong khu vực. Lãnh đạo địa phương nhiều năm nay đang tìm nhà đầu tư cho sân golf khổng lồ đã được đưa vào kế hoạch điền địa mới.

Còn cái kế hoạch phát triển du lịch của cả cái vùng thị trấn Železná Ruda lẫn lân cận với hơn hai nghìn dân này, được chánh tổng Michal Šnebergr hy vọng, là sân golf “mười chín” lỗ với ước tính chi phí đầu tư tối thiểu trên mười triệu korun. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân vì sao Michal Šnebergr “trải thảm” ra mời “Đại sứ Việt Nam Trương Mạnh Sơn, đại diện Hội Người Việt Nam tại Séc, một số doanh nhân người Việt tại địa phương tới tòa thị chính để trao đổi về cơ hội hợp tác và đầu tư.” Nhưng chắc chắn, thông tấn viên thường trú hãng thông tấn TTXVN không thể biết, rằng Železná Ruda đã hơn tám năm nay từng liên tiếp “trải thảm” ra như vậy mời rất, rất nhiều đối tượng “có máu mặt” nhào vô dự án nhưng sau đó đều bỏ chạy mất cả dép, kể cả đối tác cực kỳ tiềm năng ban đầu từ nước Đức láng giềng. Để đến bây giờ, họ đành bấm bụng “đánh tín hiệu tốt” để thể hiện sự “coi trọng vai trò của cộng đồng người Việt nói chung và giới doanh nghiệp Việt nói riêng”. 

“Đáng tiếc rằng, về lâu dài thì ở đây chẳng có hoạt động kinh tế nào khác ngoài du lịch. Thế nhưng mô hình này nếu thiếu hạ tầng cơ sở và đầu tư thì cũng tê liệt,” chủ tịch thị trấn Michal Šnebergr chia sẻ với phóng viên ČTK hôm chủ nhật, 06.07.2014. Còn tạm thời, đa số đầu tư đều chỉ nhằm tới các căn hộ nhà nghỉ đang phát triển và còn nhiều tiềm năng. “Chúng tôi đang chờ những nhà đầu tư lớn mà chắc là sẽ đến. Dĩ nhiên là cả những khách sạn bốn sao mà ở đây chưa có. Chắc sẽ lôi kéo được thêm những khách hàng, có yêu cầu những dịch vụ như vậy,” Michal Šnebergr phán đoán về tương lai thị trấn.

Sơ sơ vài chi tiết vậy, để các đại gia nào muốn góp phần vào sự phát triển kinh tế trong tương lai của cái thị trấn vùng sơn cước này ý thức được ý nghĩa cái cử chỉ “trải thảm” của ông trưởng làng (starosta) Michal Šnebergr (chứ không nên nhầm với chức thị trưởng- primátor- vì không thể so sánh quyền lực và trách nhiệm ví dụ của chủ tịch bản Háng Đề Sủa ở huyện miền núi Mù Căng Chải với chủ tịch thành phố Hà Nội được), và nỗ lực của Michal Šnebergr rót mật vào phái đoàn của ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Nghe rất chi là dễ mủi lòng. Và biết đâu, tin vào lời giới thiệu của đại diện thường trú TTXVN tại CH Séc, lại có đại gia nào từ Việt Nam hứng chí lao vào “nổ” cùng những dự án khủng, mà nhiều doanh nhân Séc khẳng định là điên rồ, hoang tưởng ở đó, ít nhất là trong thời điểm này và vài năm tới, thì có mà toi cơm.

Còn quan điểm của người viết bài này trước sự đon đả hiện nay của chủ tịch Železná Ruda Michal Šnebergr và ban lãnh đạo thị trấn với người Việt Nam, thì căn cứ vào thái độ từ trước tới nay của viên chủ tịch mà đã rất nhiều lần thể hiện trên truyền thông, thấy có phần nào nếu quá lời là hơi trơ trẽn. Mặc dù vào tình thế hiện nay ví dụ có nhà đầu tư tiền năng nào của Việt Nam muốn, có lẽ họ sẵn sàng đồng ý để cho sân golf nhiều lỗ hay con phố nào đó của thị trấn, trong tương lai được mang tên Trần Hưng Núi chẳng hạn. Đơn giản thì, đừng thấy đỏ tưởng là đã chín.

David Nguyen
Gửi đăng Vietinfo.eu
Tin liên quan
Lựa chọn vietinfo di động

VietInfo Group

Liên hệ gửi bài: BBT@vietinfo.eu
Liên hệ quảng cáo: quangcao@vietinfo.eu ,
Tel.:+420 777 007 989 (chỉ liên hệ quảng cáo)

Vietinfo.eu được phát hành theo giấy phép và luật thông tin của EU.

Copyright © 2008 - 2023 VietInfo Group

Chọn hiển thị:

Chọn khổ chữ: