Hà nội Bratislava Praha Cheb- Từ cuộc đàm thoại trong khuôn khổ Festival Việt-Séc do Babylon tổ chức ngày 24/9/2020
Tác phẩm nghệ thuật là một thành quả duy nhất của một tính cách duy nhất. Vẻ đẹp của tác phẩm ấy bắt nguồn từ một thực tế rằng tác giả là một chủ thể như nó vẫn là. Tác phẩm ấy đó không liên quan tới việc, rằng những người khác đang muốn những gì người ta muốn. Tuy nhiên vào thời điểm mà người nghệ sĩ để ý đến điều những người khác quan tâm và muốn đáp ứng điều này, thì anh ta sẽ không còn là người nghệ sĩ mà trở thành một người thợ thủ công hoặc tẻ nhạt, hoặc khôi hài,hay là một doanh nhân hoặc thật thà hoặc không. (Oscar Wilde, 1891)
Tôi không rõ, các bạn coi mình là một phần của cộng đồng Việt nam đến mức độ nào, nhưng tôi muốn được biết, các bạn cảm thấy ra sao khi các bạn làm gì đó, cố gắng điều gì đó… các bạn khi đó là chính mình, hay các bạn tính cả đến việc rằng các bạn là một phần của một nền văn hóa thiểu số nào đó và có nghĩa là nên tính cả đến việc này chăng?
Ha Thanh Špetlíková, nhà tạo hình và diễn viên
Tôi nghĩ là các nền văn hóa thiểu số thường có khuynh hướng thể hiện mình trong những luồng sáng đẹp đẽ nhất, tức là không tự làm khó cho chính mình như ông Tomas Mika có nói? Thỉnh thoảng người ta hỏi tôi về những việc liên quan tới văn hóa Việt nam và tôi cần phải có phản ứng sao đó, mặc dù tôi không coi mình là người mang tiếng nói của cộng đồng. Vì thế mỗi khi tôi trả lời điều gì, tôi thường nói trên danh nghĩa cá nhân – để nó là thật nhất có thể, bởi vì với tôi điều này là quan trọng. Và khi tôi nói về suy nghĩ của mình thì tôi sẽ không phải ngại cả khi nói về những gì theo tôi là tệ hại.
Chị không bị ảnh hưởng của nền giáo dục…
Tôi lớn lên trong nền văn hóa của đa số và đồng thời trong gia đình cha mẹ Việt của tôi, và cây la bàn của tôi luôn là những gì tôi suy ngẫm và suy ngẫm nữa với từng việc, liệu nó có ý nghĩa. Rồi một khi nó có ý nghĩa thì với tôi nó là tiêu chuẩn và sẽ chẳng còn quan trọng, liệu đấy là Séc hay Việt nam. Tôi trực diện với sự việc cùng với tất cả những gì tôi đã trải qua, với cảm nhận của mình, và cố gắng để nó là thật – với tuổi tác của mình, với kinh nghiệm và học vấn của mình.
Vi Huyen Tran (Viah), ca sĩ và người trình diễn
Viah, khi bạn biểu diễn, phần Việt và phần Séc trong bạn có cãi cọ nhau sao đó…
Tôi là người học nhạc và người trình diễn và về phần mình, tôi muốn nói chỉ trong khía cạnh này. Tôi làm âm nhạc như tôi cảm nhận, và tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc tôi khác người khác, hay là việc có cha mẹ mẹ từ Việt nam sẽ gây chú ý. Nhưng khi tôi bắt đầu biểu diễn công khai, tôi cảm thấy mọi người phản ứng chính là với sự khác biệt, rằng chính sự có mặt của phần Việt đang lôi kéo sự chú ý và điều đó làm người ta vui thích khi nhận ra sự quan tâm tới văn hóa Việt nam. Đối với tôi đó là một trải nghiệm thú vị, ngay cả khi thoạt đầu tôi không biết phải làm gì với nó. Lúc đầu tôi còn cảm thấy khá là khó chịu. Tôi tự nhủ, người ta biểu diễn không phải để nhấn mạnh văn hóa của mình hay là văn hóa của cha mẹ mình, bởi vì đó cũng không hoàn toàn là văn hóa của tôi đến 100%.
Mãi sau này, cùng với thời gian tôi mới hiểu rằng, và nhất là trong khuôn khổ nhà hát, rằng câu hỏi về tính chất Việt hay tính chất Séc với tôi là quan trọng. Với tôi hóa ra đó là câu hỏi mang tính sống còn, mà tôi cũng đã phải giải quyết trong khuôn khổ một buổi biểu diễn trong nhà hát của chúng tôi với người đồng nghiệp, mà không thể có mặt ở đây hôm nay. Rằng điều quan trọng là tôi phải chỉ ra nó và gọi tên nó, để trong đó tôi còn là chính mình. Không phải là Viah người Việt, người chơi nhạc, mà là một con người lớn lên trong nền văn hóa Séc - tôi sinh ra ở Praha, ở nhà hộ sinh U Apolináře – và đồng thời mang trong mình sự giao thoa của hai nền văn hóa, mặc dù không cảm thấy mình là người đại diện nào đó của văn hóa Việt Nam.
Ha Thanh Spětlíková
Chị Made in Hanoi.
Viah
Thật vậy sao, tôi Made in Praha, hoặc có thể ở Bratislava cũng nên – trước khi chuyển đến Praha, cha mẹ tôi học trường Kỹ thuật tại Bratislava, ở đó họ đã gặp nhau và lấy nhau khi phát hiện ra là có tôi.
Có lẽ điều thú vị về chúng tôi là chúng tôi là thế hệ đầu tiên lớn lên ở đây - tôi là đứa con gái châu Á duy nhất trong lớp vào thời điểm đó, ở Praha, và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần mở ra một cuộc đối thoại ở đây mà tôi hy vọng là có lợi cho tất cả.
Diana Cam Van Nguyen, đạo diễn
Diano, bạn được “làm” ở đâu? Ở đâu là chỗ bạn được “làm”?
Về phần tôi, chỗ ấy là Cheb.
Ồ, thật tuyệt – các bạn ở đây có ba người, được sản xuất tại bốn thành phố. Đáng tiếc là chúng ta không chiếu được phim Bé bỏng là bộ phim hoạt hình của bạn. Bộ phim về chuyện gì vậy?
Bộ phim mà các bạn chưa xem được, có ở trên mạng, nếu như các bạn muốn xem, các bạn có thể tìm trên internet, bởi vì bây giờ nó đã có thể đến với tất cả mọi người – tôi vừa đăng công khai năm nay. Bộ phim chính là nói về cảm giác của một bé gái, người Việt, lớn lên tại Séc và bé tìm cách tự cân bằng với sự khác biệt của mình so với các bạn xung quanh. Tôi muốn nói rằng chúng tôi trải qua tuổi thơ khác với bây giờ, hay là ít nhất là tôi đã từng có mặc cảm tự ti đối với các bạn Séc, mà theo tôi điều này liên quan đến việc chúng tôi không có bất cứ hình mẫu nào – tất cả các búp bê Barbies đều tóc vàng, mắt xanh và tôi thấy mình quả xấu xí. Tôi không có ai giống tôi ít nhiều làm gương cho tôi. Bộ phim nói về sự cân bằng ấy và về việc đi tìm quê hương. Tôi luôn muốn gạt bỏ việc tôi được nhìn nhận là người Việt, còn tất cả những việc khác thì có lẽ nằm đâu đó đằng sau. Một phần nào tôi đã làm được điều này bởi vì sau bộ phim này, tôi có làm một bộ phim khác không có gì liên quan tới đề tài Việt nam. Thế là bây giờ tôi là một đạo diễn “bình thường” có thể làm được mọi đề tài. Đồng thời tôi phải nói rằng những định hình bên ngoài đôi khi không nhất thiết là xấu, và gần đây tôi thấy điều này có lợi hơn là bất lợi. Thấy bảo có rất ít các nữ đạo diễn, mà các nữ đạo diễn người dân tộc thiểu số, hơn nữa lại là người gốc Á lại càng ít hơn. Thế thì là tốt, phải không?
Mai Nguyenová, một người hoạt động xã hội
Chắc chắn chỉ có một Diana Cẩm Vân Nguyễn. Mai, chị lớn tuổi hơn các bạn ở đây – chị bình luận sao về những điều chúng ta vừa nghe…
Tôi cho rằng thế hệ thứ hai là những gì hoặc những ai mà chúng ta cần chấp nhận, chứ không phải là bình luận. Và nếu nói về văn hóa, thì tôi cho rằng tất cả các nền văn hóa đều có một điểm chung là tình người. Tất cả các câu chuyện cổ tích trên thế giới, trong mọi ngôn ngữ, đều xoay quanh các nhân vật tích cực, và đó là điều gắn kết chúng ta. Ai từ nền văn hóa thiểu số hay đa số, điều đó không quan trọng.
Mai Nguyenová (Ảnh: babylonrevue.cz)
Vũ Thư Hiên, tác giả mà festival Việt-Séc lần này được lấy tên theo một cuốn sách của ông, đã ngồi tù 9 năm trong nhà tù cộng sản Việt nam. Trong tù, trên các mảnh giấy vụn mà sau này đã được người nhà mang ra ngoài, ông đã bí mật viết một cuốn sách về tuổi thơ của mình tại một làng quê nhỏ ở Việt nam. Các bạn có thể hình dung mình ở địa vị ông ấy? Các bạn sẽ viết về điều gì?
Mai
Tôi nghĩ, tôi sẽ không quá nhầm lẫn khi nói rằng rơi vào địa vị của ông ấy là cơn ác mộng cho tất cả những ai phê phán chế độ, cho dù có lên tiếng công khai hay không, đó là điều rõ ràng nếu như ta biết được rằng ở thế kỷ 21 này, chính quyền Việt nam đã đối xử ra sao đối với các tù nhân lương tâm. Trường hợp của một bà mẹ bị án – một blogger mà trang website của tổ chức Člověka v tísni có viết – là một thí dụ.
Những năm cuối đây Việt nam dường như đã học được “lề thói của Trung quốc” và trên kênh truyền hình họ cho phát đi các hình ảnh “nhận tội” của các bị cáo, mà nhiều khi còn đầy vết thâm tím trên mặt, hoặc các dấu vết tra tấn. Tôi hiểu rằng bằng các hình ảnh này, chế độ muốn dằn mặt cả các nhà bất đồng tương lai và cả gia đình của họ. Tôi không hiểu, thế nào mà chính quyền không nhìn ra rằng, bằng các biện pháp cưỡng bức nhận tội, được phát trên truyền hình, chính quyền chỉ làm mất uy tín của toàn bộ hệ thống pháp lý của mình chính và qua kênh truyền hình trực tiếp. Hay là họ biết và không thèm đếm xỉa?
Viết lách chưa bao giờ là mơ ước của tôi, tôi không hình dung, mình sẽ viết gì, chắc là không viết gì quá. Nhưng tôi biết rõ, tại sao tôi đề nghị nên đọc các truyện ngắn và các cuốn sách của tác giả Miền thơ ấu. Bởi ông viết bằng ngôn ngữ mà tôi muốn tiếng mẹ đẻ của tôi sẽ mãi giữ được như thế, cho dù mọi ngôn ngữ đều thay đổi. Đó là ngôn ngữ không chứa bạo lực và thói tục tĩu, không có sự tức tối và hận thù. Ngôn ngữ dịu dàng, đầy quan sát tinh tế và tôi cảm giác, nó rất thật. Ngôn ngữ của người mà 9 năm tù đã không thể bẻ gãy.
Diana
Tôi không thể hình dung ra mình trong vị trí của bất cứ người tù nào. Hồi tôi 11 tuổi, cha tôi đã ngồi tù một năm trong nhà tù của Plzen tại Bory. Và chỉ với kinh nghiệm nhỏ này của tôi từ hồi tôi thường đi thăm cha, là tôi biết, tù tội có thể là môi trường khắc nghiệt đến thế nào. Mà đấy là điều kiện sống trong nhà tù tại Séc còn tốt hơn nhiều so với điều kiện nhà tù tại Việt nam. Tôi ngưỡng mộ tất cả những người này, sự dũng cảm và các chia sẻ của họ. Tôi rất vui vì chúng ta có thể đọc lại về họ trong văn học Việt Nam.
Hà Thanh
Tôi sinh ra tại một đất nước độc tài và đất nước này vẫn còn là độc tài, và tôi không thể giả vờ rằng thực tế này không liên quan tới tôi. Tôi coi việc được sống trong một nền dân chủ và có quyền con người được công nhận, là một may mắn lớn và đáng tiếc rằng ngay cả ngày hôm nay, điều này hẵng còn chưa phải là sự hiển nhiên. Tôi luôn nghĩ về nó.
Vì tôi là một người gốc Việt khá được biết đến tại CH Séc, tôi không ảo tưởng rằng các đồng chí sẽ không giám sát tôi một cách nào đó. Do đó, những rủi ro cá nhân nhất định vì các hành vi của tôi và vì cách chính kiến công khai, có lẽ cũng có thể xảy ra, mặc dù tất nhiên không phải ở mức độ mà những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam phải đối mặt. Tôi vô cùng ngưỡng mộ ông Vũ Thư Hiên. Tôi thực sự không thể tưởng tượng rằng tôi có thể bị tù vì quan điểm chính trị của mình. Người ta chỉ có thể tưởng tượng ra khung cảnh và bối cảnh của giai đoạn đó, nhưng tất cả những năm tháng, ngày giờ và giây phút đã trải qua thì ngoài tầm thông hiểu của tôi. Tôi chỉ có thể giả định rằng trong một môi trường như vậy, trong các suy nghĩ và trong thế giới sáng tạo của mình, người ta thường trở về thời thơ ấu, về với những vẻ đẹp khác và về với những điều bình thường mà giờ đây đã là rất xa với mình vào thời điểm đó. Bài viết của tôi không mấy giá trị, tôi lại là người thiên về tạo hình, nên có lẽ trong tù, tôi sẽ có xu hướng tạo ra tác phẩm nhiều phần mang tính minh họa.
Nguồn:babylonrevue.cz
Người dịch. Thanh Mai - vietinfo.eu