Các chính khách Séc vào Sapa không vì quan tâm tới cộng đồng Việt Nam
Hàng trăm cửa hàng tiện ích và cửa hiệu nhỏ trên khắp lãnh thổ mà người điều hành là những doanh nhân Việt Nam, hiện đang trương áp phích tuyên truyền cho Trần Văn Sang, người đàn ông gốc Việt 36 tuổi đang ứng cử vào Quốc hội về cơ hội có thể trở thành "nghị sĩ Việt Nam đầu tiên tại Cộng hòa Séc". Nhưng anh ta không phải là người duy nhất muốn tranh thủ được những lá phiếu của cử tri trong cộng đồng nói tiếng Việt.
Theo Trần Văn Sang, nguyên nhân chính để mình tham gia tranh cử là do người nước ngoài hầu như không có đại diện trong quốc hội. "Đúng là 800 nghìn người nước ngoài ở Cộng hòa Séc trên thực tế không có đại diện của mình trong Hạ nghị viện. Ở đó không có đại diện của những người, mà mặc dù không có quốc tịch nhưng sinh sống, làm việc và đóng góp không nhỏ vào ngân khố quốc gia," Trần Văn Sang chia sẻ với trang tin Seznam Zprávy cùng đề xuất, ví dụ tất cả những ai ở Séc tốt nghiệp bằng cấp cao sẽ nhận được quốc tịch.
Nhưng Liên minh vì tương lai mà người chống lưng là tỉ phú Pavel Sehnal không phải là tổ chức chính trị duy nhất muốn tranh thủ lá phiếu cử tri trong cộng đồng Việt Nam. Ví dụ hồi đầu tháng Chín thủ tướng Andrej Babiš cùng với hai phó thủ tướng Alena Schillerová và Karel Havlíček thuộc phong trào ANO 2011 đã tìm đến chợ Sapa. Cách đây vài ngày, phó chủ tịch ODS Martin Kupka từ liên minh SPOLU cũng mới chia sẻ hình ảnh chụp chung với các thành viên Hội người Việt Nam ở CH Séc...
Trần Văn Sang ý thức được, là theo nhiều kết quả khảo sát thì Liên minh vì tương lai không có cơ hội lọt vào Quốc hội. Nhưng anh ta kỳ vọng, là việc tham gia ứng cử trong vị trí các ứng viên hàng đầu sẽ là nền tảng cho sự nghiệp chính trị trong tương lai. Tại Praha Sang đã thiết lập trung tâm vì hội nhập cho người Việt Nam lớn nhất, hàng tuần phát chương trình thời sự về các đề tài chính trị và xã hội.
Được coi là người có ảnh hưởng trong cộng đồng Việt Nam, có tới 50 nghìn người theo dõi trang của anh. "Tôi tuân thủ các giá trị Nho giáo, cảm nhận về các giá trị cuộc sống. Nếu không tôn trọng những giá trị đó, thì sau sáu năm vận hành trung tâm hội nhập chắc cộng đồng của mình sẽ không chấp nhận tôi và cái mặt tôi không được trưng lên ở hàng nghìn cửa hiệu," Sang nhận xét.
Theo nhà Việt Nam học Ondřej Slówik hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, thì khoảng 70 nghìn người Việt Nam định cư tại Cộng hòa Séc (chỉ một bộ phận nhỏ trong số đó có quốc tịch Séc và có khả năng tham gia bầu cử), và họ xứng đáng có dân biểu của mình ít ra trên phương diện thống kế. Ondřej Slówik cho rằng trường hợp của Trần Văn Sang có thể đánh thức mối quan tâm nhiều hơn trong thế hệ trẻ Việt Nam về diễn biến chính trường.
Luật sư Viet Do Pham thuộc lứa đồng niên với Sang cũng đồng tình với nhận định này. "Qua đó bắt đầu mở cánh cửa chính trường Séc cho người Việt Nam. Sẽ không chỉ đại diện cho cộng đồng Việt nam, mà tất cả người nước ngoài nói chung. Thế hệ trẻ Việt Nam có thể lấy đó làm gương, có thể trở thành động lực lớn hơn quan tâm tới các vấn đề xã hội," người ở Séc đang sở hữu công ty sản xuất giầy "nâng chiều cao" Viet Do Pham bình luận.
Viet Do Phạm cho rằng thế hệ người Việt lớn tuổi còn quan tâm tới chính trị ít hơn. "Bởi vì tại Việt Nam họ đã có trải nghiệm lâu năm về chế độ Cộng sản. Hơn nữa sử dụng Séc ngữ không mấy thành thạo, phụ thuộc vào những thông tin mà chúng tôi chuyển ngữ cho họ," Pham giải thích.
Cần câu thay vì con cá
Trong áp phích của mình Trần Văn Sang hứa hẹn với giới trẻ ví dụ internet miễn phí. "Tôi nói, rằng không nên cho người đang đói con cá, vì sẽ ăn hết ngay. Mà hãy cho họ cần câu. Bạn không thể chiếm được lòng tin giới trẻ bằng cái bánh ngọt, mà cần phải hứa hẹn gì đó có ý nghĩa cho tương lai- để họ không chỉ trả nợ thay cho thế hệ cũ," Sang mô tả mục tiêu của mình.
Theo Trần Văn Sang, trong số các chính khách Séc giới trẻ Việt Nam quan tâm nhiều nhất đến cựu nghị sĩ da mầu TOP 09 Domikik Feri, nhưng vị này vì bê bối tình dục đã rời chính trường hồi mùa Xuân vừa qua.
Trần Văn Sang cho rằng trong cộng đồng Việt Nam rất khó chịu, khi các chính khách nhớ tới họ bao giờ cũng chỉ trước các kỳ bầu cử. Chuyến thăm viếng chợ Sapa của thủ tướng Andrej Babiš chỉ sặc mùi tuyên truyền thực dụng.
"Cuộc gặp gỡ ấy chẳng liên quan gì tới cộng đồng Việt Nam, hoàn toàn chỉ là trò marketing của phong trào ANO- chứ không phải mối quan tâm của chính phủ tới người Việt. Phân phát sách của mình ở đó, Babiš chỉ lôi kéo cử tri. Tôi cảm thấy đó là nước cờ khôn lỏi. Còn nếu như ANO thực sự suy nghĩ nghiêm túc, thì ví dụ nên có người Việt nào đó trong danh sách các ứng viên của phong trào," Sang suy luận.
Theo Trần Văn Sang, Andrej Babiš là chính khách Séc gây nhiều tranh cãi nhất trong cộng đồng người Việt, nhưng sẽ rất hiếm cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho Babiš- cũng vì những phát ngôn trước đây khi Andrej Babiš điều trần trước Quốc hội về kế hoạch áp dụng EET, rằng cả do người Việt không đóng thuế.
Trần Văn Sang nhấn mạnh lại, là công đồng người Việt đã đóng góp hỗ trợ chính quyền trong thời gian dịch bệnh corona virus bùng phát ra sao. Và không hài lòng, khi sau đó chính phủ Séc gửi 250 nghìn liều vaccine sang Việt Nam, nơi mà "các đảng viên CS chia nhau".
Vojtěch Filip nặng ký
Cả Trần Van Sang và Viet Do Pham cùng cho rằng, nhiều chính khách Séc chỉ muốn làm ăn với chính phủ Việt Nam hơn là quan tâm tới người Việt ở Séc. "Chính phủ Việt Nam nhìn thấy, là chính phủ Séc có quan tâm tới người Việt, có thể là yếu tố có lợi trong các cuộc đàm phán thương mại giữa những phái đoàn Séc và Việt Nam," luật sư Pham giải thích về những mối quan tâm trước bầu cử.
Ngoài thủ tướng Andrej Babiš còn cả ví dụ nghị sĩ châu Âu Jan Zahradil hay chủ tịch Đảng Cộng sản Vojtĕch Filip. Theo nhà Việt Nam học Ondřej Slówik, thủ lĩnh cộng sản Séc tại Việt Nam có vị thế nổi trội hơn so với thủ tướng Andrej Babiš hay tổng thống Miloš Zeman.
"Theo diễn giải của giới ngoại giao Việt Nam thì chủ tịch đảng Cộng sản có sức nặng tương tự- nếu không muốn nói là hơn cả thủ tướng hay chủ tịch nước. Cộng hòa Séc so với nhiều nước châu Âu khác nơi đảng Cộng sản không lọt vào được Quốc hội, thì thủ lĩnh Cộng sản có trong tay con chủ bài chính trị quan trọng, kể cả khi mặc dù có thể chỉ được thêm vài ngày nữa," Ondřej Slówik bình luận đồng thời ám chỉ khả năng, là Đảng Cộng sản Séc và Morava có nguy cơ bật bãi khỏi Quốc hội trong cuộc bầu cử nay mai.
Trần Văn Sang
Người đàn ông 36 tuổi đã sống ở Cộng hòa Séc từ năm 1995. Là phó chủ tịch phong trào Sức khỏe Thể thao Thịnh vượng và đã nhiều lần tham gia ứng cử. Năm 2019 ứng cử Nghị viện châu Âu, năm ngoái trong mầu cờ sắc áo ČSSD ứng cử hội đồng tỉnh tại Bắc Séc. Năm nay là lần đầu tiên ứng cử vào Quốc hội ở vị trí thứ ba khu vực bầu cử Praha của Liên minh vì tương lai, mà đứng sau là tỉ phú chủ tịch đảng ODA Pavel Sehnal.
©Vietinfo.eu
David Nguyen- theo Seznam Zprávy